Hỗ trợ doanh nghiệp

Vấn nạn hàng giả hàng nhái khiến doanh nghiệp làm đẹp gặp khó

DNVN - Theo ông Phạm Trường Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mỹ phẩm S-Net Việt Nam, thương mại điện tử là xu thế tất yếu với các đơn vị kinh doanh trực tiếp trong ngành làm đẹp. Tuy vậy, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái được bán trực tiếp trên các sàn là không công bằng cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Gỡ điểm nghẽn, khai mở động lực tăng trưởng mới / Hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải carbon

Tại diễn đàn “Thị trường ngành làm đẹp năm 2024" ngày 19/4 tại Hà Nội, ông Chu Quốc Thịnh - Trưởng phòng Quản lý Mỹ phẩm (Cục quản lý Dược, Bộ Y tế) cho biết, làn sóng văn hóa, giới nghệ sĩ thần tượng và người nổi tiếng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng tiêu dùng các sản phẩm làm đẹp. Điều này khiến cho thị hiếu tiêu dùng mỹ phẩm tại Việt Nam có chiều hướng thất thường.

Cùng với đó là sự nhạy cảm đối với giá thành sản phẩm của thị trường và yếu tố chất lượng. Thông thường, thương hiệu và danh tiếng của một dòng mỹ phẩm có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của người tiêu dùng bởi niềm tin được xây dựng từ chất lượng, sự tin cậy và sự bắt mắt của sản phẩm.

Với việc xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu mỹ phẩm mới, thị trường ngày càng cạnh tranh mạnh khốc liệt, doanh nghiệp khó khăn hơn để giữ chân khách hàng. Đáng lo ngại là sự xuất hiện của các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

"Đặc biệt các sản phẩm này được kinh doanh trên các sản thương mại điện tử (TMĐT), các nền tảng thương mại như Zalo, Faceboo... khiến khách hàng ngày càng khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn và chất lượng", ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Phạm Trường Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mỹ phẩm S-Net Việt Nam đánh giá, TMĐT là xu thế tất yếu với các đơn vị kinh doanh trực tiếp trong ngành làm đẹp. Tuy nhiên, thị trường hiện có nhiều thay đổi trong khi cơ chế chính sách chưa thay đổi kịp. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm như ông đối mặt với nhiều vướng mắc, khó khăn.

Trong đó, doanh nghiệp phải cạnh tranh với các đơn vị “lách luật”. Một doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm để đưa được sản phẩm ra thị trường cần được các cơ quan Nhà nước quản lý chặt chẽ với nhiều quy trình, thủ tục, và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm cho sản phẩm đó.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh mỹ phẩm trên sàn TMĐT có thể “bỏ qua” các thủ tục trên và có thể nhanh chóng đưa sản phẩm lên sàn TMĐT và được kiểm duyệt rất nhanh, không có đơn vị chịu trách nhiệm cho sản phẩm.


TMĐT là xu thế tất yếu với các đơn vị kinh doanh trực tiếp trong ngành làm đẹp.

Theo ông Linh, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái có thể bán trực tiếp trên sàn TMĐT là không công bằng cho các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật như công ty ông.

Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế. Cần nâng cao nhận thức người tiêu dùng để khách hàng có thể chọn lựa được sản phẩm tốt, sản phẩm chất lượng. Do mỹ phẩm có những hoạt chất nên nếu dùng quá đà sẽ có những hậu quả không mong muốn.

Cũng đề cập đến tác động của TMĐT, ông Đỗ Quang Huy - Giám đốc Ecotop cho rằng, quy mô thị trường TMĐT tại Việt Nam có tác động rất lớn đến ngành làm đẹp. Theo đó, nhiều nhãn hàng sử dụng sàn TMĐT để gia tăng doanh số, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện tại, TMĐT có những tác động tích cực nhưng cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. TMĐT phát triển cũng dẫn đến hàng giả, hàng nhái tràn lan, có thể khiến người mua mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Cùng với đó, thị trường hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện nên nhiều người bán hàng chộp giật làm mất uy tín, gây cản trở với nhãn hàng mỹ phẩm uy tín. Một số dòng hàng sản xuất gia công nên chưa được kiểm soát chặt chẽ gây ảnh hưởng đến da, sức khỏe.

"Chúng tôi hy vọng thời gian tới, các quy định, chính sách sẽ được cải thiện khách hàng mua sản phẩm chất lượng trên sàn TMĐT, uy tín của doanh nghiệp được duy trì. Các bộ, ban, ngành cần kiểm soát chặt với các cơ sở, địa chỉ, dịch vụ kém chất lượng, siết siết chặt hình thức làm đẹp trá hình, sai sự thật...", ông Huy kiến nghị.

Liên quan đến mỹ phẩm thiên nhiên, DS Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS) cho biết, việc sản xuất ra các dòng sản phẩm thiên nhiên đang gặp nhiều thách thức.

Trong đó, thách thức đầu tiên về công nghệ bởi bảo quản mỹ phẩm thiên nhiên không phải là vấn đề đơn giản. Mỹ phẩm thiên nhiên đắt hơn nhiều so với các sản phẩm truyền thống cũng do liên quan vấn đề bảo quản.

Nguồn gốc của nguyên liệu cũng là vấn đề rất khó khăn đối với doanh nghiệp. Các nguyên liệu đến từ thiên nhiên đa số chỉ có theo mùa nên việc chủ động được nguồn nguyên liệu cũng là vấn đề rất vất vả”, ông Hoàng nói

Việc không có hành lang pháp lý rõ ràng với sản phẩm thiên nhiên gây khó cho doanh nghiệp. Do đó, cần tiêu chuẩn nhận diện và hành lang pháp lý rõ ràng với các sản phẩm tới từ mỹ phẩm thiên nhiên. Bởi lĩnh vực này không chỉ liên quan tới sức khoẻ mà còn liên quan tới tính mạng người dùng.

Ngoài ra, thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành là vấn đề nan giải. Doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm này khó cạnh tranh trên thị trường bởi mỹ phẩm thiên nhiên là dòng sản phẩm đắt, người tiêu dùng không phải ai cũng có thể tiếp cận được...

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm