Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều thách thức do cước vận tải biển tăng cao

DNVN - Theo phản ánh của các doanh nghiệp thuỷ sản, căng thẳng Biển Đỏ hiện nay khiến một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước khác.

Các nhà tài trợ góp phần vào thành công của lễ hội hoa lớn nhất miền Tây / Lâm Đồng: TP Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Cước vận tải biển tăng gấp đôi

Các vụ tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ gần đây đe dọa đến tính mạng của dân thường và kinh tế toàn cầu. Căng thẳng gia tăng tại Biển Đỏ dấy lên lo ngại sau khi các tay súng Houthi tấn công tàu chở hàng của hãng Maersk của Đan Mạch ngày 31/12/2023, khiến hãng này tạm dừng tất cả các chuyến đi trên Biển Đỏ trong 48 giờ. Trực thăng quân sự Mỹ đã đẩy lùi cuộc tấn công và khiến 10 tay súng thiệt mạng.

Thông tin từ một số doanh nghiệp (DN) thuỷ sản cho thấy, từ tháng 1/2024, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước.

Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên....

Hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã gửi thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ, Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023.

Cụ thể, Bờ Tây (Los Angeles) tăng 800 USD - 1.250 USD, tùy theo tuyến. Giá cước ở mức 1.850 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 2.873-2.950 USD cho tháng 1/2024.


Bắt đầu từ tháng 1/2024, cước vận tải đi Mỹ, Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023 liên quan tới căng thẳng ở Biển Đỏ.

Bờ Đông (New York) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy theo tuyến. Cụ thể tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100-4.500 USD cho tháng 1/2024.

Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg có giá 1.200-1.300 USD trong tháng 12 tăng lên 4.350 USD-4.450 USD trong tháng 1/2024, tức tăng hơn gấp đôi.

Nguyên nhân được các DN cho là 80% lượng hàng hóa đi Bờ Đông nước Mỹ, Canada và EU đều qua kênh đào Suez.

Do căng thẳng Israel, Hamas, nhóm nổi loạn Houthi (Yemen) tấn công các tàu đi vào biển Đỏ để qua kênh đào này. Tháng 12 vừa qua, các tàu của Maersk, MSC và CMA đều bị tấn công.

Điều này buộc các tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7-10 ngày, dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn.

Do lưu lượng hàng hóa trong năm 2023 ít nên nhiều tuyến cắt bớt tàu mẹ. Khi hành trình kéo dài dẫn đến vòng quay 1 con tàu mất khoảng 2 tuần. Một số tuyến phải cắt bỏ 1 số chuyến hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đây có thể là một thách thức mới cho DN thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN thủy sản.

Tìm phương án thay thế

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/12/2023, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn số 1116 về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các DN trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.

Đề nghị các DN xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Các DN tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Ngoài ra, các DN khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

Qua tổng hợp nhanh ý kiến của DN về tình hình cước vận chuyển tàu biển trên một số tuyến chính, VASEP đề nghị Cục Xuất Nhập khẩu tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương hoặc có các giải pháp, tác động để hỗ trợ cộng đồng DN xuất nhập khẩu nói chung giảm áp lực lớn về chi phí vận tải tăng cao như hiện nay.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm