Hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2024, dự kiến có khoảng 178.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

DNVN - Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), dự kiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương hơn 178.000 doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng 10% là số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.

Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân / Các nhà tài trợ góp phần vào thành công của lễ hội hoa lớn nhất miền Tây

Thách thức, khó khăn vẫn rất lớn

Giới chuyên gia nhận định, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Cuộc xung đội quân sự Nga – Ukraine có thể kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam phục hồi chậm, thiếu bền vững, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng. Tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực trong năm nay. Các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm. Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư…

Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay.

Dự báo doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 3,5%

Trong bối cảnh đó và trên cơ sở tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) dự báo, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 dự kiến tăng 2% so với năm 2023, đạt khoảng 162,5 nghìn doanh nghiệp.

Đối với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trên cơ sở tình hình năm 2023 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh điều chỉnh từ 74.000 doanh nghiệp năm 2024 xuống còn khoảng 68.000 doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 dự kiến sẽ vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên mức tăng này kỳ vọng sẽ hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh dự kiến con số này tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương hơn 178.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có khoảng 10% là số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, thực sự chấm dứt hoạt động và rời khỏi thị trường.

Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp

Để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội đất nước trong năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế.Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, thị trường năng lượng…

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ trong các ngành công nghiệp chiến lược và trong lĩnh vực mới nổi như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn…

Thuỳ Dương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm