Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp tỷ USD của Ấn Độ muốn đầu tư vào Hưng Yên

Tập đoàn công nghệ hàng đầu Ấn Độ, với doanh thu 8,6 tỷ USD trong năm 2018, đang muốn đầu tư vào tỉnh Hưng Yên.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa.

Tập đoàn Hindustan Computers Limited (HCL) vừa tới Hưng Yên để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh này.

Theo chia sẻ của lãnh đạo tập đoàn này, thì Hội đồng Quản trị Tập đoàn HCL Technologies đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam với tầm nhìn, mục tiêu đào tạo, tuyển dụng, phát triển nhân lực cho một chuỗi trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin gồm 10.000 - 20.000 kỹ sư ở Việt Nam.

Với kế hoạch này, HCL mong muốn khảo sát một vị trí phù hợp, có diện tích khoảng 5-10 ha trên địa bàn tỉnh Hưng Yên để đầu tư xây dựng tổ hợp văn phòng, tiện ích cuộc sống, chăm sóc sức khỏe, phục vụ người lao động cho quy mô khoảng 5.000 - 10.000 kỹ sư làm việc cho Tập đoàn trong thời gian tới.

HCL là một tập đoàn công nghệ thông tin có trụ sở tại Noida (Ấn Độ), với lịch sử hình thành và phát triển hơn 40 năm. Tập đoàn hiện cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho 250 doanh nghiệp trong danh sách doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất thế giới.

HCL hiện có 131.000 kỹ sư đang làm việc tại 44 quốc gia trên thế giới, với doanh thu đạt khoảng 8,6 tỷ USD trong năm 2018.

Ngoài đi khảo sát tại Hưng Yên, hồi tháng 5 vừa qua, HLC cũng đã tới TP.HCM để đề xuất đế hoạch đầu tư một trung tâm công nghệ thông tin ở đầu tàu kinh tế này, với kế hoạch tuyển dụng 10.000 kỹ sư trong vòng 5 năm tới. Tổng vốn đầu tư cho dự án này vào khoảng 650 triệu USD.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM vào hồi tháng 5, ông Sanjay Gupta, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc chiến lược mạng lưới hoạt động của HCL cho biết, trong 1 năm qua, Tập đoàn đã có những nghiên cứu về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, cũng như các chính sách mở cửa và nhận thấy Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để HCL thực hiện kế hoạch mở rộng ra đầu tư nước ngoài.

Cũng theo ông Sanjay Gupta, thì TP.HCM là trung tâm giáo dục, đào tạo có rất nhiều ưu thế nguồn lực nhân sự, và do đây chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất để Tập đoàn quyết định đầu tư vào TP.HCM.

Tại TP.HCM, Tập đoàn HCL cũng đã đi khảo sát tại Khu công nghệ cao TP.HCM.

Như vậy, nhiều khả năng, HCL đang muốn tận dụng nguồn nhân lực của Việt Nam để phát triển dịch vụ công nghệ thông tin. Ấn Độ hiện là thị trường gia công phần mềm thuộc diện lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã từng là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển dịch vụ gia công phần mềm.

Ông Sanjay Gupta cũng cho biết, lý do Tập đoàn chọn TP.HCM không phải vì chi phí lao động giá rẻ, mà vì họ đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam giống như cách mà Ấn Độ đã bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ thông tin hơn 10 năm trước.

Theo ông Sanjay Gupta, thì sự phát triển của thị trường công nghệ với đội ngũ kỹ sư trẻ Việt Nam hứa hẹn rất nhiều tiềm năng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm