Hỗ trợ doanh nghiệp

Đối mặt với sự sụp đổ: Hiệp hội sắn Việt Nam kêu cứu khẩn cấp đến Thủ tướng

DNVN - Cho rằng ngành sắn có nguy cơ sụp đổ khi Tổng cục Thuế ban hành công văn về việc hoàn thuế giá giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng tinh bột sắn, Hiệp hội sắn Việt Nam đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị dừng thực hiện công văn này.

Doanh nghiệp Việt Nam - Mexico tìm kiếm đối tác tiềm năng / Gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý chặt tàu cá ra, vào cửa biển

Thông tin từ Hiệp hội sắn Việt Nam, ngày 7/3 vừa qua, Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT về việc hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng tinh bột sắn (Công văn số 632). Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sắn.
Trong khi pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn, đồng thời DN xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.
Hiệp hội sắn Việt Nam nêu rõ, ngành sắn đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn và có nguy cơ sụp đổ toàn ngành khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632.

Hiệp hội sắn Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dừng thực hiện Công văn số 632.
Chính phủ đã có văn bản số 5753/VPCP-KTTH ngày 19/8/2021 và văn bản số 689/VPCP-KTTH ngày 27/1/2022 chỉ đạo một số bộ, ngành giải quyết vướng mắc về việc hoàn thuế GTGT cho ngành sắn. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết mà còn khó khăn hơn khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632.
Hiệp hội này phân tích: Nếu Công văn 632 thực thi thì các DN ngành sắn sẽ bị phá sản mặc dù thực tế các DN hoạt động kinh doanh đúng pháp luật. Việc này ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động ngành sắn và hàng trăm đơn vị sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn, gây mất ổn định kinh tế xã hội ở nhiều địa phương.
Cũng theo phản ánh của hiệp hội, hiện nay, ngành sắn đang còn phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tác động hơn 2 năm qua. Số lượng hàng tồn kho rất lớn, nhiều DN không còn tiền để mua nguyên liệu của nông dân, buộc phải dừng sản xuất. Các DN Việt Nam đang cạnh tranh xuất khẩu quyết liệt với Thái Lan, Indonesia.
Theo hiệp hội này, khó khăn chồng chất khó khăn, nếu vướng mắc hoàn thuế GTGT không được tháo gỡ kịp thời có thể dẫn tới sự sụp đổ chuỗi sản xuất cây trồng tỷ đô và tác động tới các ngành khác có xuất khẩu biên giới tương tự như ngành sắn.
Do đó, Hiệp hội sắn Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dừng việc thực hiện Công văn số 632. Thực hiện hoàn thuế dựa trên quy định pháp luật Việt Nam và hồ sơ thực tế của DN, để bảo đảm tính khách quan và công bằng trong thực thi pháp luật đối với các DN xuất khẩu sắn.
Trước đó, hôm 18/3, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Hiệp hội Sắn Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thể hoàn thuế GTGT phù hợp với thực tế hoạt động xuất khẩu biên mậu giữa Việt Nam với Trung Quốc, phù hợp với tinh thần Nghị định 14/2018/NĐ-CP nhằm thích ứng với hoạt động xuất nhập khẩu biên giới đối với các nước có chung biên giới cho mặt hàng tinh bột sắn nói riêng và cho các hàng hóa khác nói chung.
Đồng tình với các kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ phối hợp, hỗ trợ với Hiệp hội và các DN ngành sắn để kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến nghị Hiệp hội Sắn Việt Nam và các DN thành viên ngay từ bây giờ cần chuyển mạnh sang sản xuất và xuất khẩu theo hướng chính ngạch. Ngoài ra, cần quan tâm công tác nghiên cứu tiềm năng, nhu cầu sử dụng sản phẩm của các thị trường cũng như có chuyển đổi cần thiết. Tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng trồng và tổ chức lại sản xuất để sản phẩm của Việt Nam phải là sản phẩm sạch, đáp ứng được tiêu chí thị trường.
Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, sắn và sản phẩm sắn là 1 trong 3 sản phẩm cây trồng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và được đưa vào danh sách cây chủ lực quốc gia, được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu vùng xa. Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt cao tới 1,35 tỷ USD/năm.
Thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu là thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu. Trong đó hơn 65% sản lượng xuất khẩu theo điều kiện DAF (giao hàng tại biên giới-Incoterm 2010), qua các cửa khẩu khu vực tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm