Hỗ trợ doanh nghiệp

EVFTA: Thị phần của DN Việt Nam bị tác động thế nào trước sự cạnh tranh từ EU?

DNVN - Theo Bộ Công Thương, trong các báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA, một thách thức luôn được đề cập đến là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước do dòng hàng chất lượng cao từ châu Âu được mở rộng cửa vào thị trường Việt Nam.

EVFTA: Doanh nghiệp không nên quá hồ hởi với việc giảm thuế quan / Gia nhập EVFTA: Tìm lời giải cho vấn đề tồn đọng của lao động Việt Nam

Tuy nhiên, cần xét đến các yếu tố bao gồm: cơ cấu kinh tế của EU và của ta mang tính bổ sung cho nhau, không đối đầu trực tiếp và cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam có lộ trình, đặc biệt với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó, sức ép cạnh tranh mà Hiệp định EVFTA mang đến là sức ép lành mạnh, hợp lý, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp.
Ngoài ra, cần nhìn nhận rằng cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu. Mặt khác, cạnh tranh mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Bộ Công Thương nhận định, đây là con đường mà sớm hay muộn ta cũng phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Giải pháp giúp DN tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA
Tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Để thích ứng được với bối cảnh này, Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA ngay sau khi Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định này để kịp thời đưa ra các định hướng, kế hoạch và lộ trình cho các Bộ, ngành và các địa phương nhằm triển khai thực thi đúng, đầy đủ và kịp thời các cam kết của Hiệp định này, giúp hiện thực hóa các lợi ích của Hiệp định này cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, kế hoạch thực hiện này tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm:
Về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU: Tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả EVFTA; thiết lập và tăng cường liên kết đầu mối thực thi EVFTA tại các Bộ, ngành và địa phương...
Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế: Thực hiện rà soát pháp luật trong quá trình thực thi Hiệp định và báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của EVFTA; xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định như cơ chế thành lập nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường...
Về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu...
Về chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; tham gia các Công ước cơ bản còn lại của ILO, v.v..
Về chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững: Xây dựng và ban hành đồng bộ các chính sách xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào các nhóm công việc lớn này, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình cũng như tăng cường việc giám sát thực hiện để bảo đảm việc thực thi của Việt Nam được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm