Hỗ trợ doanh nghiệp

Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023: Tài hoa kết tinh thành giá trị

DNVN - Tối ngày 9/11, Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội đã khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Cuộc cách mạng về thương hiệu làng nghề / Đình chỉ hoạt động 6 doanh nghiệp gây ô nhiễm tại làng nghề Thái Phương

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngành nghề, làng nghề nông thôn có lịch sử phát triển lâu đời và phong phú. Các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hoá, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì vậy, đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ Việt Nam và mỗi người dân, nhất là các thế hệ trẻ sẽ tự tin và tự hào tìm kiếm, chăm chút gây dựng những giá trị vô tận từ tài nguyên bảo địa đa dạng, bản sắc văn hoá xã hội độc đáo với đôi tay khéo léo, óc sáng tạo và sự cảm nhận tinh tế và cùng nhau đặt câu hỏi: Tại sao không biến thành những giá trị?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu ấn nút khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 (ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Theo thống kê, ngành nghề nông thôn đang thu hút khoảng 817.000 cơ sở nghề là các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nghề sản xuất, góp phần giải quyết công ăn việc làm 3,7 triệu lao động. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt trên 3,3 tỷ USD. Nhiều làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Tại lễ khai mạc Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Ban tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 cũng đã tiến hành vinh danh 45 tác phẩm đạt giải. Đây là những tác phẩm xuất sắc được tuyển lựa trong số hơn 400 tác phẩm gửi dự thi của các nghệ nhân, thợ giỏi trên cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 cho nhiều nghệ nhân tiêu biểu (ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội với lịch sử hơn ngàn năm văn hiến, lưu giữ những giá trị tinh thần và bản sắc dân tộc, trong đó làng nghề giữ sự giao thoa văn hóa nhiều vùng nghề. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09, trong đó khẳng định ưu tiên phát triển nghề và nghề thủ công truyền thống với nhiều cơ chế chính sách về làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trên cả nước với nhiều sản phẩm độc đáo có giá trị tinh thần và kinh tế cao. Tham gia Festival lần này, Hà Nội có 6 sự kiện bên lề với tinh thần kết nối làng nghề, đẩy mạnh kết nối giao thương, phát triển du lịch Thủ đô và đất nước, cam kết đồng hành bảo tồn và phát huy giá trị nghề, làng nghề Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thăm quan các gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu tại Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.

Ban tổ chức cũng đã tôn vinh 45 tác phẩm đạt giải của Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 trong đó gồm: 5 giải A; 10 giải B; 15 giải C và 15 giải Khuyến khích. Đây là những tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ 400 sản phẩm tham dự của 196 tác giả đến từ các địa phương, trong đó Hà Nội có 255 sản phẩm.

Lễ khai mạc Festival đã khép lại bằng màn trình diễn thời trang Lụa Việt Nam, với sự tham gia trình diễn của dàn người mẫu trong nước và quốc tế, đem đến vẻ đẹp khó cưỡng của lụa truyền thống Việt Nam.

Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội.

Thanh Hoa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm