Giấc mơ bị vỡ vụn của gã khổng lồ Huawei
Hơn 600 doanh nghiệp được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao / VinFast khai trương văn phòng tại Australia, đặt nền móng trở thành thương hiệu ô tô toàn cầu
Tham vọng lớn của Huawei và đòn giáng “chí tử” của Tổng thống Trump
Trong cuộc trả lời phỏng vấn cuối năm 2018 với hãng tin CNBC, người phụ trách kinh doanh tiêu dùng của tập đoàn Huawei – ông Richard Yu đã hùng hồn tuyên bố tham vọng biến gã khổng lồ về công nghệ của Trung Quốc trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 trên thị trường thế giới vào năm 2020.
Tuy nhiên, chỉ hai năm sau tuyên bố trên, vị trí số 1 thì vẫn xa vời nhưng Huawei thì đang lao đao vì một loạt đòn giáng mạnh mẽ và quyết liệt của chính quyền Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Huawei vào ngành công nghệ then chốt. Thực tế này đang làm tổn thương tập đoàn Huawei.
Huawei từng tham vọng trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 trên thị trường thế giới |
Đòn giáng gây tổn thất hàng đầu của chính quyền ông Trump đối với Huawei là đưa hãng công nghệ này vào danh sách đen Entity List của Mỹ. Danh sách này bao gồm các cá nhân, công ty và tổ chức bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ. Mỹ cho rằng tập đoàn công nghệ Huawei "liên quan đến các hoạt động đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia hoặc các chính sách đối ngoại của Mỹ". Những công ty bị liệt trong danh sách đen nếu muốn mua công nghệ và linh kiện của Mỹ phải có sự chấp thuận của chính quyền Mỹ nhưng đây là điều không dễ dàng. Các công ty của Mỹ bị hạn chế làm ăn với Huawei trong khi Huawei phụ thuộc nặng nề vào các thiết bị và phần mềm của các công ty Mỹ. Ngoài ra, các mẫu smartphone mới của Huawei không được tải hệ điều hành Google Android.
Huawei đã cố gắng xoay sở để giảm thiểu ảnh hưởng từ đòn giáng nói trên và họ đã có thể giải quyết một số vấn đề liên quan đến thiết bị. Tuy nhiên, việc không được tiếp cận với hệ điều hành Android cùng các ứng dụng của Google đã khiến Huawei bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Chủ tịch luân phiên của Huawei - ông Eric Xu hồi tháng Ba đã cho CNBC biết, công ty đã không đạt được mục tiêu doanh thu nội bộ trong năm 2019 là 12 tỉ USD – khoản doanh thu hầu hết đến từ mảng tiêu dùng và chiếm đến hơn một nửa tổng doanh thu của Huawei.
Dữ liệu từ các công ty nghiên cứu International Data Corporation (IDC) và Counterpoint Research cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm tổn hại đến hoạt động của Huawei trên toàn cầu.
Theo IDC, trong quý đầu tiên của năm 2019, trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, thị phần toàn cầu của Huawei chiếm 18,9% - đứng ở vị trí thứ 2 sau Samsung và trước Apple. Nhưng sau khi phải chịu ảnh hưởng từ việc bị đưa vào danh sách đen, thị phần của Huawei đã sụt giảm xuống 15,2% trong quý IV và tụt xuống vị trí thứ 3 sau Apple.
Trong quý đầu tiên của năm 2020, Huawei đã giành lại vị trí thứ 2 một lần nữa nhưng thị phần của công ty này chỉ đứng ở mức 17,8%, không còn giữ được mức thị phần đỉnh cao thời trước khi bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Dù các số liệu toàn cầu cho thấy, Huawei đang khá kiên cường vượt qua khó khăn nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, họ đang mất dần thị phần ở những thị trường quốc tế quan trọng. Sự phục hồi mà họ đạt được trong quý đầu năm nay là nhờ vào việc tăng gấp đôi nỗ lực ở thị trường Trung Quốc và chuyển hướng sang các thị trường đang nổi.
Ở các thị trường then chốt bên ngoài Trung Quốc, việc thiếu các dịch vụ của Google là trở ngại rất lớn trên con đường chinh phục tham vọng giành vị trí số 1 trên thị trường smartphone thế giới. Ông Bryan Ma - Phó Chủ tịch Nghiên cứu thiết bị thuộc IDC, nhận định: "Huawei có thể tạm thời vượt qua khó khăn bằng cách tập trung vào thúc đẩy bán các mẫu điện thoại đời cũ, giá rẻ ở các thị trường đang phát triển nhưng chiến lược này chỉ có thể đi đến đó”.
Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc của Huawei như OPPO và Xiaomi vẫn có thể tiếp tục sản xuất những chiếc smartphone với nền tảng Google. Điều này gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với Huawei ở các thị trường phát triển. Đây mới chính là mối lo ngại lớn đối với gã công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.
Mỹ tiếp tục dồn ép Huawei
Không chỉ trực tiếp trừng phạt Huawei, chính quyền của Tổng thống Trump còn gây sức ép với các đồng minh để họ ngừng làm ăn với tập đoàn công nghệ của Trung Quốc.
Mới đây nhất, Mỹ đã thẳng thừng cảnh báo Anh sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cho phép Huawei phát triển các phần “không phải cốt lõi” trong hệ thống 5G của Anh. Mỹ đã nhanh chóng gia tăng sức ép để Anh phải xem xét lại. Mỹ cho rằng, công ty Huawei của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe dọa về an ninh.
Các Thượng nghị sĩ của Mỹ đang tìm cách đưa ra một dự luật nhằm ngăn chặn không cho triển khai hai phi đội máy bay hàng đầu F-35A Lightning II đến Anh – một kế hoạch dự kiến sẽ được thực hiện vào năm tới. Lý do của việc này là vì quyết định của Anh trong việc cấp phép cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc tiếp cận với hệ thống 5G của Anh, tờ The Telegraph đưa tin.
Động thái trên được dẫn dắt bởi Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton của Arkansas. Ông Cotton đang tìm cách sửa đổi một dự luật để cho phép Mỹ cấm triển khai các chiến đấu cơ F-35 hàng đầu đến những nước nơi có các tập đoàn “có nguy cơ” như Huawei hoạt động.
Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ kêu gọi Canada không sử dụng công nghệ 5G Huawei, nói rằng làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho việc chia sẻ thông tin tình báo với Washington và khiến thông tin của người Canada bị Trung Quốc chiếm dụng.
Rõ ràng, Huawei có tham vọng rất lớn và họ thực sự có khả năngnhưng khi phải đấu với Mỹ, con đường phía trước hoàn toàn không dễ dàng. Đến thời điểm này có thể khẳng định, ước mơ vị trí số 1 của họ đang rất xa vời!
End of content
Không có tin nào tiếp theo