Hỗ trợ doanh nghiệp

Giúp doanh nghiệp nhỏ ‘tự vệ’ trước thách thức lớn

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam về sở hữu trí tuệ, các tài sản số, phát triển thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tham gia bền vững vào các chuỗi giá trị toàn cầu… là rất cần thiết trong lúc này để “tự vệ” trước các thách thức lớn của nền kinh tế số.

Bình Phước: Doanh nghiệp lớn hỗ trợ startup thông qua mạng lưới Alumni / Doanh nghiệp Việt đang lạc quan trở lại?

Nhân vụ việc thương hiệu gạo ST25 bị “đánh cắp” tại Mỹ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) mới đây nêu ra một số vấn đề về sở hữu trí tuệ mà các doanh nghiệp (DN) Việt cần lưu ý khi muốn xuất khẩu (XK) hàng hóa tới thị trường nước ngoài.

Bảo vệ mình trong nền kinh tế số

Cụ thể, khi nghiên cứu thị trường XK, một trong những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường XK.

HINH-7515-1619449679.jpg

Trước các thách thức lớn giữa nền kinh tế số, các DN nhỏ và vừa cần “cân nhắc mô hình kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ”.

Theo đó, trước khi XK, các DN ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường XK và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác trên thị trường đó.

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều quan trọng là DN cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất nhằm tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc DN sử dụng sản phẩm của chính mình.

Vấn đề về sở hữu trí tuệ cũng được nêu ra tại Hội thảo bàn về việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa xây dựng, bảo vệ thương hiệu và các tài sản số trong nền kinh tế số diễn ra ở Tp.HCM ngày 26/4.

Tại Hội thảo, các DN công nghệ, cung cấp giải pháp và nền tảng trực tuyến về thương mại, thanh toán điện tử (Amazon, Google, Momo, Tiki, KPMG, Công ty phần mềm FPT, CTCP giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc -TraceVerified…) đã phần nào giúp các DN nhỏ và vừa nắm bắt các vấn đề về bảo mật dữ liệu, mã số, mã vạch, thanh toán số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, công nghệ Blockchain (chuỗi khối)…

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM cho biết, hội thảo này nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa ở Việt Nam nhận diện cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số, hỗ trợ DN truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tham gia bền vững vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

 

Cụ thể, thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM, sẽ sàng lọc và lựa chọn DN nhỏ và vừa để triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp các DN xây dựng và định vị thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số, mã vạch và thúc đẩy đưa sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử, qua đó tăng cơ hội tiếp cận thị trường XK cho DN.

Đặc biệt, các DN sẽ được kết nối những chương trình hỗ trợ và giải pháp công nghệ cần thiết để tăng tốc áp dụng công nghệ trong xây dựng, bảo vệ tài sản số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cần hành động ngay lập tức

Có thể nói, việc bảo vệ thương hiệu, tài sản số và sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề lo ngại đối với các DN nhỏ và vừa trong bối cảnh nền kinh tế số như hiện nay. Cuộc khảo sát với gần 4.000 DN ở Tp.HCM cho thấy, chỉ có 1,63% số DN có nhân sự được đào tạo, tập huấn hoặc chuyên trách về tài sản trí tuệ; và 2,25% DN có ban hành các quy định nội bộ, quy chế quản lý tài sản trí tuệ.

Điều này phản ánh rõ các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn chưa quan tâm đến tài sản trí tuệ, chưa nhận thức đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Trên thực tế, DN chủ yếu quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu, tên hay logo DN, mà chưa biết cách nhận diện và quản trị tài sản trí tuệ, tài sản số.

 

Còn trên thị trường XK, theo Cục Sở hữu trí tuệ, tốt hơn cả là các DN tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi XK sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Ở góc độ chuyên gia, liên quan đến những thách thức trong nền kinh tế số, Ts. Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nghiên cứu về quản trị chuyển đổi thông minh tại Đại học RMIT cho rằng, các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khởi trong việc chuyển đổi số.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy, sau đại dịch Covid-19, các DN nhỏ và vừa đang thiệt hại nặng nề vì cung và cầu đều giảm, nên vấp phải những thách thức lớn ở nhiều mảng khác nhau.

Ngay cả trước đại dịch, hầu hết DN nhỏ và vừa tại Việt Nam cũng đã đối mặt với nhiều khó khăn do khả năng quản trị DN kém, cạnh tranh cao, năng lực sáng tạo thấp, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và chi phí vận hành DN cao.

Vì vậy, theo ông Trung, các DN nhỏ và vừa có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức, không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai, nếu cả DN và Chính phủ không có những giải pháp phù hợp.

 

Để bảo vệ các DN nhỏ và vừa giữa các thách thức lớn hiện nay, giới chuyên gia nhấn mạnh, ngoài việc quan tâm đến bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ tài sản số, các DN cần “cân nhắc mô hình kinh doanh hiện tại theo lăng kính công nghệ”, kỹ thuật số và thu thập dữ liệu. Ví dụ, đánh giá hành trình khách hàng hiện có và từ đó tìm cách ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm khách hàng.

Điều quan trọng là các DN nhỏ và vừa cần hành động ngay lập tức để tăng khả năng “tự vệ”, đừng đẩy mình vào vị trí trì hoãn quá trình chuyển đổi số. Việc chậm thay đổi trong nền kinh tế số như hiện nay sẽ có thể tác động nặng nề đến DN còn hơn tác động của Covid-19.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm