Grab gửi tâm thư "cầu cứu" Thủ tướng
“Đại chiến” Vinasun - Grab: “Vinasun nên nhìn lại mình” / “Đại chiến” Vinasun - Grab: Grab khẳng định không gây thất thu thuế
Ngày 25/10, Công ty TNHH Grab có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏý kiến liên quan tới Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô để thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP (“Dự thảo” hoặc “dự thảo Nghị định”) mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình.
Đi ngược chủ trương Thủ tướng
Grab cho biết, tại Điều 3.7 dự thảo quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng với xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên”. Và Điều 3.2 quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.
Với quy định trên, xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử. Tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.
Grab lo lắng khi dự thảo nghị định mới quy định hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng với ô tô 9 chỗ ngồi trở lên (ảnh TL).
Grab Việt Nam cho rằng, những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại.
Theo Grab Việt Nam,đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã đem lại những kết quả khách quan không thể phủ nhận. Cụ thể, sự ra đời và triển khai Đề án thí điểm đã mở ra một giai đoạn chưa từng có đối với ngành vận tải Việt Nam. Qua đó mang lại nhiều lợi ích và ưu việt cho người tiều dùng, các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối, và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Grab Việt Nam nhấn mạnh, ý nghĩa quan trọng của đề án thí điểm này là thúc đẩy phát triển thị trường vận tải. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khối lượng vận chuyển hành khách năm 2014 và 2017 lần lượt là 3.000 triệu lượt hành khách (tăng 7,6% so với năm trước) và 4.000 triệu lượt khách (tăng 11,1%). Các đơn vị vận tải lớn trong ngành cũng buộc phải chuyển mình, hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, đề án thí điểm này còn hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước tìm ra những phương án quản lý hữu hiệu trong kỷ nguyên 4.0. Đồng thời, tạo nguồn cảm hứng cho phát triển và ứng dụng KHCN tại Việt Nam.
Về phía Grab, công ty có cơ hội cung cấp kết nối các dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho 20% người dân Việt Nam mỗi tháng, và cung cấp các cơ hội nâng cao thu nhập trực tiếp cho 175.000 đối tác tài xế. Dù là một doanh nghiệp còn non trẻ, Grab luôn nỗ lực hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đặc biệt là nghĩa vụ thuế.
Số thuế đóng góp của Grab luôn tăng trưởng gấp 3 lần mỗi năm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2018, Grab đóng thuế 270 tỷ đồng và ước tính sẽ đóng hơn 500 tỷ đồng trong cả năm 2018. Bên cạnh đó, Grab cũng chủ động hỗ trợ các đối tác trong việc kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế và hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế địa phương.
Tạo bước lùi?
Trong công văn gửi Thủ tướng, Grab Việt Nam cũng phản hồi về những thông tin cho rằng Grab và các ứng dụng kết nối khác đang cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống.
Trên thực tế, khi nhận thấy lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp taxi đã thức thời và hiện đang hợp tác tốt với Grab cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác trên thị trường. Vào một vài thời điểm, doanh thu của các lái xe, đơn vị taxi kết nối ứng dụng Grab tăng đến 300% so với thời điểm chưa sử dụng ứng dụng kết nối.
"Tuy nhiên, điều đáng buồn là vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh. Từ việc gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, tuyên truyền thông tin sai lệch, dèm pha về Grab và các đối tác, dán băng rôn khẩu hiệu trên xe, kiện tụng đòi bồi thường với lý do mất thị phần, cho đến việc yêu cầu Chính phủ dừng Đề án thí điểm", trích công văn của Grab gửi Thủ tướng.
Grab cho rằng, các ứng dụng kết nối khác đang cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống (ảnh TL).
Phía Grab nhấn mạnh, việc thông qua dự thảo lần này sẽ thực sự là... bước lùi trước "những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc" trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 của ngành vận tải.
Vì vậy, Grab mong muốn Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam công tâm xem xét, đánh giá, đặt nguyện vọng và lợi ích của người dân và của nền kinh tế Việt Nam lên hàng đầu. Mục đích để đưa ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với thời đại.
Đồng thời, Grab cam kết sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường pháp lý cởi mở, thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và với mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và xã hội ngày một tốt hơn.
Trước đó, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, có tới 18 điều khoản trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ vào tháng 7/2018 đã được bỏ hoặc chỉnh sửa.
Trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 chỉ rõ, về nội dung quản lý xe sử dụng hợp đồng điện tử, tiêu biểu là Grab, Bộ GTVT đề xuất không còn khái niệm xe taxi điện tử.
Lý giải về điều này, Bộ GTVT cho rằng, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử sử dụng hợp đồng vận tải điện tử so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng. Vì vậy cần có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau. Về phương diện quản lý, Bộ GTVT đồng thuận với phương án xe chở khách dưới 9 chỗ có ứng dụng phần mềm tiêu biểu như Grab sẽ được quản lý như xe taxi. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo