Hỗ trợ doanh nghiệp

Hệ thống thanh kiểm tra hiện rất "sung sức" vì DN phải "thank you"

DNVN - Đây là chỉ một trong nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được đại diện các lãnh đạo bộ, ngành, giới chuyên gia và chủ doanh nghiệp nêu ra tại Hội thảo - Tọa đàm "Để công tác thanh, kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển" do Viện Nghiên cứu Thanh tra và phòng, chống tham nhũng tổ chức vào sáng 30/3 tại Hà Nội.

SME muốn tồn tại phải thể hiện được thương hiệu trên mạng xã hội / HDBank dành 5.000 tỷ đồng tài trợ chuỗi kinh doanh xăng dầu của Petrolimex và PVOIL

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết: Theo báo cáo tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác ngành Thanh tra năm 2019, hoạt động thanh tra năm 2018 đạt được kết quả rất tích cực, công tác ngành cũng có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác thanh, kiểm tra cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập cần phải có giải pháp toàn diện để khắc phục việc bị chồng chéo trong thanh, kiểm tra doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp (DN) vi phạm, gian lận, tạo ra sự công bằng trong môi trường kinnh doanh.
Số liệu khảo sát từ Ban Pháp chế của VCCI điều tra năm 2017 cho thấy: Tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên mỗi năm vẫn lên đến 39,8%. Trong nhóm những DN bị thanh, kiểm tra nhiều lần năm 2017 có 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. Điều này cho thấy vấn đề cải cách công tác thanh, kiểm tra cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Vì sao DN "né" thanh tra?
Chia sẻ về thực trạng DN "né" đoàn thanh tra, kiểm tra, ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phát biểu rằng: Qua khảo sát được biết, hầu hết DN đều nói công tác thanh, kiểm tra chủ yếu là gây khó khăn, sách nhiễu cho DN. Đây là lý do khiến các DN muốn "né" đoàn thanh, kiểm tra.
Theo ông Đinh Văn Minh, 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là do cơ chế chính sách. Nhiều khả năng lực lượng thanh, kiểm tra sẽ lợi dụng bộ công cụ đó để "hành" DN. Qua đó, ông Minh cho rằng Nhà nước nên rà soát để bỏ bớt những điều kiện không cần thiết nhằm tạo điều kiện cho DN.
Ông Đinh Văn Minh phát biểu tại hội thảo.

Ông Đinh Văn Minh phát biểu tại hội thảo.

"Cốt lõi của vấn đề là hoạt động thanh, kiểm tra cần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho những DN tử tế và DN cũng nhận thức được rằng hoạt động thanh, kiểm tra cần phải như người trọng tài. Ai đá không tử tế thì đuổi ra ngoài...", ông Minh nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt – Đức chỉ ra một thực tế rằng, hệ thống thanh tra, kiểm tra hiện nay rất "sung sức" bởi sau hoạt động thanh tra sẽ được DN "thank you". Trong khi đó, cách đây 10 năm, Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã hình thành quy định mỗi năm thanh tra 1 lần, thanh tra theo chủ đề và phải báo trước.
"Có thể nói, 99% chủ DN ngại thanh tra vì sau mỗi lần thanh tra là phải "thank you". Có bao nhiêu cuộc thanh tra mà qua đó DN được hưởng lợi. Có bao nhiêu DN thông qua thanh tra mà DN hoạt động tốt hơn? Nói thẳng ra là không có, mà chủ yếu thanh tra để xử lý hình sự", ông Thực thẳng thắn chia sẻ.
Thanh tra phải là bạn tốt của DN
Trước thực trạng này, ông Thực cho rằng nên có sự thống nhất của tất cả các bộ, ngành để hoạt động thanh, kiểm tra chỉ diễn ra 1 lần trong năm. Như vậy, DN đỡ phải tiếp nhiều đợt thanh, kiểm tra, tiết kiệm chi phí cho DN.
Đồng quan điểm với ông Thực, TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, công tác thanh tra và xử lý vi phạm hiện có nhiều bất cập và chồng chéo, gây khó khăn phiền phức cho doanh nghiệp.
“Kết luận thanh tra nhiều khi không đầy đủ, thậm chí không chỉ ra được lỗi của người sai phạm. Và đây là gốc gác dẫn đến một loạt doanh nghiệp xảy ra những sai phạm. Bên cạnh đó, năng lực trình độ, tính chịu trách nhiệm, vấn đề xử lý những thanh tra sai phạm chưa nghiêm…”, ông Kim cho biết.
Trong khi đó, theo ông Minh, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải hiện diện đúng chỗ, đúng lúc, và đúng thẩm quyền. Và cơ quan thanh tra giúp Nhà nước phát hiện những khiếm khuyết, khó khăn, vướng mắc từ cơ chế chính sách. Khó khăn bắt đầu từ chính cơ chế chính sách. Muốn khắc phục điều này thì Nhà nước phải chủ động rà soát, bãi bỏ những điều kiện không cần thiết, thủ tục không minh bạch gây khó dễ cho DN.
Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Ngoài ra, bản thân DN cũng phải lên tiếng và phải lên tiếng có bài bản, trật tự, có lý lẽ chứ không phải kêu ca. Tiếng nói của DN hiện rất quan trọng.
"Tôi tin rằng, tiếng nói của DN thuyết phục thì Nhà nước sẽ lắng nghe và có những điều chỉnh chỉnh, bổ sung phù hợp", ông Minh chia sẻ,
Ngoài ra, ông Minh cho rằng bản thân cơ quan thanh tra, kiểm tra phải nhìn lại vai trò, nhiệm vụ của mình đã thực hiện đúng hay chưa. Công tác thanh tra, kiểm tra dường như vẫn nặng về thành tích số lượng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh lại chia sẻ băn khoăn rằng, dường như chúng ta chưa làm rõ mục tiêu của hoạt động thanh tra nhằm mục đích gì? Bản thân cơ quan thanh tra và trên cơ quan thanh tra cũng chưa rõ thanh tra DN để làm gì.
"Mọi người nghĩ "thanh tra phải làm bạn với DN". Nhưng tôi nghĩ khác, thanh tra phải là bạn tốt của DN", TS Vũ Đình Ánh nêu.
Lý giải cho nhận định này, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho biết, việc phát hiện được bao nhiêu vụ việc sai phạm, thu được bao nhiêu mét đất không quan trọng. Mà điều quan trọng nhất là công tác thanh tra sẽ giúp DN phát triển đúng, tức là không sai phạm hoặc sai phạm ở mức thấp nhất. Nhiệm vụ của thanh tra là phòng ngừa sai phạm ngay khi nó bắt đầu để sai phạm không lớn hơn. Chứ không phải thanh tra để lấy thành tích phát hiện được bao nhiêu vụ sai phạm...
Theo báo cáo tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác ngành thanh tra năm 2019: Năm 2018, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 33 nghìn tỷ đồng, hơn 33,9 nghìn ha đất, đã kiến nghị thu hồi hơn 29,7 nghìn tỷ đồng và 1.007 ha đất (đã thu hồi được 16.656 tỷ đồng và 345 ha đất. Riêng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành 59 cuộc thanh tra, ban hành kết luận 25 cuộc, phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 12,4 nghìn tỷ đồng, 23.918 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, 287 ha đất.
Đặc biệt, TTCP đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra Dự án TCT Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu; công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm