Hỗ trợ doanh nghiệp

Giải bài toán tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

DNVN - Việc các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn khó khăn bắt nguồn từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thiếu thông tin, tâm lý tự ti cho rằng mình "nhỏ bé" nên ngại tiếp cận ngân hàng hay các tổ chức tín dụng đã khiến khối doanh nghiệp này có thể phải tìm đến gói tín dụng đen với lãi suất cao...

VinFast tính mở 76 showroom - Tham vọng 1 năm vượt Hyundai trong 10 năm ở Việt Nam / SME muốn tồn tại phải thể hiện được thương hiệu trên mạng xã hội

Bà Đỗ Thị Bích Mai - Giám đốc Ngân hàng TMCP Vietinbank chi nhánh Hoàng Mai đã phát biểu như vậy tại "Diễn đàn Doanh nghiệp lần thứ V - năm 2019" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội tổ chức vào sáng 29/3 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme cho biết, diễn đàn là nơi để các doanh nghiệp (DN) tham gia giao lưu tìm hiểu lẫn nhau, tiếp cận các chính sách của Trung tâm Hỗ trợ DNNVV.
TP Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2020 có hơn 400.000 DN, tức là chỉ còn đúng 1 năm để cụ thể hóa NQ số 35 của Thủ tướng Chính phủ 2016. Đây là mục tiêu hơi quá sức đối với thành phố Hà Nội dù thành phố cũng như Hanoisme đã có nhiều giải pháp rồi, cũng đã mở ra các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo...
Ông Mạc Quốc Anh phát biểu tại diễn đàn.

Ông Mạc Quốc Anh phát biểu tại diễn đàn.

"Chúng tôi đang phục vụ và cung cấp lợi ích cho các DN các giải pháp về vốn, thị trường, các hoạt động để giải quyết thủ tục hành chính, cắt bớt các điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV", ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Ông Mạc Quốc Anh bày tỏ mong muốn các chuyên gia về vốn, các cơ quan Nhà nước đưa ra các giải pháp về vốn để hỗ trợ DNNVV trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi 97% DN trên địa bàn TP Hà Nội đều là DNNVV. Trong khi đó, trên thực tế khối doanh nghiệp này vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội – khẳng định, hiện mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm xuống. Trong khi đó, nguồn vốn của ngân hàng rất dồi dào, ngân hàng luôn muốn tiếp cận các DN và đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh. Ngân hàng rất cần các DN chứ không chỉ các DN tìm kiếm ngân hàng.
Ông Tuấn cũng đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố cố gắng tiếp cận được với các DN, làm việc sâu hơn với các DN để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Chia sẻ về lý do khiến khối doanh nghiệp này khó vay được vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng, bà Đỗ Thị Bích Mai rằng có hai nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do các đơn vị DN nhỏ và siêu nhỏ mới thành lập thiếu thông tin. Do thiếu thông tin nên Vietinbank mới đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước cũng như các hiệp hội DNNVV để thông qua các trung tâm, hiệp hội này, các thông tin về pháp lý và thủ tục vay vốn sẽ được cung cấp đầy đủ hơn.
Bà Đỗ Thị Bích Mai

Bà Đỗ Thị Bích Mai chia sẻ về nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận vốn.

"Thực tế, việc thiếu thông tin nên các DN này tiếp cận vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng thông qua trung gian. Chính vì qua trung gian nên việc thiếu thông tin của họ lại ngày càng thiếu và làm tăng chi phí cho DN", bà Mai phân tích.
Nguyên nhân thứ hai, theo bà Mai bắt nguồn từ chính các DN mới thành lập với bộ máy nhân sự chưa đầy đủ. Họ tự làm tài chính, làm sổ sách. Do không có chuyên môn, nên báo cáo tài chính không đầy đủ. Thiếu thông tin như vậy nên các DN này có tâm lý tự ti rằng DN mới thành lập chỉ vay khoảng vài chục triệu để xây ki-ốt chẳng hạn. Khi đó, họ đến các ngân hàng lớn với tâm lý ngại ngần, rụt rè. Đây là lý do có thể những DN này phải tìm đến gói tín dụng đen với lãi suất cao.
Hiện Vietinbank cung cấp cho 175.000 DN với tổng dư nợ cho DNNVV và 27.462 tỷ đồng; 24.298 DN siêu vi mô với tổng dư nợ đạt 2,077 tỷ đồng. Thông qua việc cung cấp trọn gói các sản phẩm dịch vụ, Vietinbank cung cấp các gói sản phẩm linh hoạt, phù hợp với đặc thù kinh doanh của từng khách hàng với cơ chế ưu đãi nhất để khuyến khích và tạo cơ hội cho DN phát triển.
Đối với chi nhánh Hoàng Mai, Vietinbank đang cung cấp cho hơn 2.000 DN, trong đó gần có gần 3.000 tỷ đồng đối với DNNVV và hơn 300 tỷ đồng đối với DN siêu nhỏ.
Hiện Vietinbank cũng có gói hỗ trợ đồng hành cùng DNNVV, các làng nghề, hộ siêu vi mô kinh doanh trong chợ. Khi DN sử dụng gói hỗ trợ này sẽ được hưởng mức ưu đãi hơn so với lãi suất thông thường. Theo đó, các thủ tục ít hơn và rút ngắn hơn so với các DN thông thường.
Đưa ra giải pháp cho bài toán về vốn cho DN nói chung và DNNVV nói riêng, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, điều quan trọng nhất đối với các ngân hàng hiện nay đó là phương án kinh doanh khả thi của DN. Cạnh đó, là khả năng quản trị, uy tín, tín chấp của người chủ DN. DN cần phải có giải pháp để làm sao các hệ thống ngân hàng có đủ niềm tin đặt viên gạch nền móng hợp tác cung cấp vốn cho các DN.
Trong khi đó, trên góc độ DN, ông Nguyễn Duy Luận - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quốc Oai nhấn mạnh tới những khó khăn của DN trong việc tiếp cận vốn và thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Duy Luận chia sẻ khó khăn của DN.

Ông Nguyễn Duy Luận chia sẻ khó khăn của DN.


"DN muốn ổn định, phát triển cần phải đảm bảo 3 yếu tố: con người, vốn và sự vào cuộc hỗ trợ từ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính", ông Luận nói.
Theo ông Luận, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như chính quyền địa phương là chưa đủ. DN vẫn mất rất nhiều thời gian trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Qua đó, ông Luận cho rằng cần có sự chỉ đạo và thực hiện tốt từ trên xuống dưới trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho DN về thủ tục hành chính. Cấp trên cần có sự chỉ đạo kịp thời cho cấp dưới trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN. Có như vậy DN mới thực sự tồn tại, yên tâm sản xuất kinh doanh và ngày càng phát triển.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm