Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các tiêu chí đánh giá, xếp hạng tín nhiệm
Hội nghị quy mô lớn về hỗ trợ DNNVV tận dụng cơ hội, dự phòng thách thức từ EVFTA / ASEAN và ASEAN+3 sẽ có biện pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV vượt Covid-19
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận vốn, sáng ngày 29/3 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) triển khai chương trình tập huấn “Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tăng cường khả năng tiếp cận vốn”.
Chương trình có ý nghĩa quan trọng, giúp cho doanh nghiệp dần tiếp cận với các tiêu chí đánh giá, xếp hạng tín nhiệm.Chương trình có sự tham dự của Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME, ông Tô Quốc Hưng - Giám đốc quốc gia ACCA Việt Nam, Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, ông Nguyễn Quang Thuân - FCCA, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, đại diện Ngân hàng ViettinBank cùng đông đảo doanh nhân đại diện các doanh nghiệp.
Xếp hạng tín nhiệm là kênh thông tin quan trọng giúp doanh nghiệp vay vốn
Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME, ý nghĩa của chương trình tập huấn sẽ giúp cho doanh nghiệp dần tiếp cận đến các tiêu chí đánh giá và xếp hạng tín nhiệm do Trung ương Hội đưa ra. Từ đó, doanh nghiệp nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để hoàn thiện, cái tiến quy trình nhằm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dễ tiếp cận đến các quỹ tín dụng.
Đối với các ngân hàng thương mại, việc xếp hạng tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng, minh bạch nhằm căn cứ trong việc xét duyệt doanh nghiệp vay vốn.
“Để đề án xếp hạng tín nhiệm DNNVV được triển khai sâu rộng và mang lại giá trị cho cộng đồng DNNVV thì không thể thiếu được sự hỗ trợ, đồng hành của một số bộ, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước như ACCA, Vietinbank, FiinRatings, Viện Nghiên cứu phát triển thị trường tài chính Bất động sản toàn cầu và một số tổ chức, cá nhân khác.
Đặc biệt, là sự đồng hành của cộng đồng DNNVV vì đây là đối tưởng được thụ hưởng kết quả của đề án mang lại”, ông Nam nói.
VINASME hỗ trợ cho doanh nghiệp về tín chấp và kế hoạch kinh doanh
Ths Trần Văn Hiển - Phó Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên, VINASME cho biết, hiện cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp. Trong đó, DNNVV chiếm 98%.
2 tháng đầu năm 2024, cả nước có hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 218,7 nghìn tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 63 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023.
DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50 – 60%.
Đặc biệt, DNNVV rất khó tiếp cận vốn vay tín chấp do dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3 - 4 năm.
“VINASME có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tín chấp và kế hoạch kinh doanh, dự báo tài chính. Từ đó, doanh nghiệp có thể đạt được điểm xếp hạng tín nhiệm phù hợp để đi vay hoặc nhận bảo lãnh tử quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác”, ông Hiển cho biết.
Cam kết lâu dài của ACCA trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV
Phát biểu tại sự kiện, ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc Quốc gia ACCA cho biết, ra đời từ năm 1904, trải qua 120 năm ACCA là hội nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính và quản trị lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất trên toàn cầu với gần 526.000 học viên và 247.000 hội viên tại 181 quốc gia.
Là một hiệp hội nghề nghiệp quốc tế có mặt đầu tiên tại Việt Nam, trong chặng đường hơn 20 năm ACCA có mặt tại Việt Nam, ACCA luôn đồng hành trong các sự kiện quan trọng của nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và tài chính tại Việt nam như đóng góp vào quá trình soạn thảo Luật Kế toán, Luật Kiểm Toán Độc lập, Chiến lược phát triển ngành kế toán kiểm toán đến năm 2030 (Bộ Tài chính) và những nỗ lực trong suốt quá trình hỗ trợ xây dựng và ban hành Lộ trình áp dụng Chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
ACCA tự hào là ban giám khảo cuộc bình chọn Báo cáo phát triển bền vững cho các công ty niêm yết trong hơn 11 năm qua.
Sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, ACCA đã đào tạo và đóng góp cho thị trường gần 10.000 chuyên gia kế toán, kiểm toán, tài chính và quản trị. Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô và điều kiện kinh doanh toàn cầu trải qua một trong những thời kỳ thay đổi phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua, khối các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khơi nguồn đổi mới. Tuy nhiên, môi trường tài chính và vĩ mô phức tạp có thể gây ra những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp hiện nay.
Nhận thức được điều này, ACCA đã thiết kế một chương trình hỗ trợ căn bản nhằm trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức và phương hướng để phát triển và cạnh tranh hơn trên thị trường ngày càng hội nhập với quốc tế.
Vào tháng 7/2023, ACCA đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội DNNVV nhằm đem đến các hoạt động đào tạo, hỗ trợ, được đa dạng hóa và thiết kế chuyên biệt với kỳ vọng cải thiện và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV Việt Nam.
“Chương trình tập huấn nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của ACCA, thể hiện cam kết lâu dài của ACCA trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV.
Chúng tôi hy vọng với những thông tin cập nhật về tiêu chí xếp hạng tín nhiệm, tiêu chí cấp vốn tín dụng, nhất là tín dụng xanh ngày hôm nay sẽ góp phần nâng cao được khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp”, ông Hưng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo