Hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ để phục hồi kinh tế

DNVN - Thảo luận tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2023, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, các đại biểu Quốc hội đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Đáng suy ngẫm khi gia tăng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường / Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chậm chuyển biến
Với các chủ trương, đường lối mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm tới hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Sợi dây gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, học viện với doanh nghiệp về nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh ngày càng được định hình rõ nét, bền chặt. Điều này đã giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp, đồng thời có đóng góp rất lớn vào việc tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đặc biệt, trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao. Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam đứng ở vị trí 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì Việt Nam vẫn còn có khoảng cách khá xa về trình độ khoa học và công nghệ với các nước nhóm đầu ở khu vực Đông Nam Á, chưa nói tới ở cấp độ châu lục và toàn cầu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, trở thành một trong những nguyên nhân làm cho doanh nghiệp Việt sớm phải "rời cuộc chơi".

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chậm chuyển biến, chưa thật sự là một động lực cho phát triển kinh tế đất nước.
Mới đây, thảo luận tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2023, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tới sự chậm trễ trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp bị "hụt hơi" trước cuộc cạnh tranh khốc liệt trước mắt, chưa tính tới chuyện cạnh tranh lâu dài, và bị thua ngay "sân nhà".
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc lại và nhấn mạnh những nguyên nhân, đó là: "Quá trình già hóa dân số của chúng ta nhanh hơn; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chậm chuyển biến, chưa thật sự là một động lực cho phát triển kinh tế của chúng ta".
Nêu những hạn chế của nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tại trong giáo dục đại học, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thành quả về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của giáo dục đại học vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ nhân lực nghiên cứu chiếm tới hơn 50% tổng nhân lực nghiên cứu ở Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo đại biểu là do vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế quản lý về đề tài, dự án sử dụng nguồn ngân sách. Đặc biệt, việc thiếu cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, thiếu cơ chế giao cho đơn vị chủ trì sở hữu và định giá sản phẩm hình thành từ các nhiệm vụ khoa học. Đồng thời chưa có cơ chế đột phá để các cơ sở giáo dục đại học thu hút và sử dụng nhân tài là các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học lớn.
Hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư ngân sách cho phát triển nhân lực
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao trong trường đại học, đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị, đầu tư từ nguồn ngân sách cho khoa học, công nghệ cần dựa trên quan điểm đầu tư để phát triển nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực sản phẩm sáng tạo.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam).
Quan điểm này là cơ sở để chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, khuyến khích các nghiên cứu đạt tới ngưỡng mang lại giá trị cao trong khoa học, có giá trị trong ứng dụng và cho phát triển đất nước, có cơ chế nuôi dưỡng và tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có tầm ảnh hưởng lớn.
Cũng nhấn mạnh đến yếu tố nhân lực, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), Chính phủ cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao để có thể cạnh tranh hàng hóa xanh trên thị trường FTA quốc tế. Hiện nay nước ta có khoảng 3 triệu Việt kiều gồm các chuyên gia, trí thức giỏi sống ở rất nhiều nước phát triển trên thế giới, nếu xây dựng cơ chế thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để họ về nước đóng góp tài năng cho nền sản xuất xanh hiện đại thì chắc chắn sẽ khắc phục được hạn chế về thiếu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xanh như hiện nay.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đầu tư khoa học công nghệ; nghiên cứu và đào tạo phục vụ sản xuất chíp bán dẫn; chuyển đổi năng lượng.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặc biệt lưu ý nội dung cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, có giải pháp hiệu quả tháo gỡ điểm nghẽn về năng suất lao động. Trong đó cần thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Theo bảng xếp hạng của WIPO, yếu tố cản trở đổi mới sáng tạo của nước phát triển là thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở vật chất, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp. Điều này phản ánh tương đối sát tình hình thực tế của Việt Nam, khi nhiều doanh nghiệp còn phải phàn nàn về hành lang pháp lý trong bảo đảm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số ở doanh nghiệp.
Chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII có nhiều điểm mới quan trọng về vấn đề này, nhưng gần hết nhiệm kỳ Đại hội XIII, Luật Khoa học và Công nghệ vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung cho thấy sự cập nhật chính sách hơi chậm so với yêu cầu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm