Hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất hậu dịch COVID-19: Cần thực hiện giải pháp “5T”
Còn dư địa để đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế / Giải pháp giúp doanh nghiệp “giữ chân” người lao động?
Các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội thị trường
Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chịu tác động nặng nề nhất phải kể đến cộng đồng doanh nghiệp (DN). Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phải đối mặt với 4 khó khăn lớn, đó là: giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường; siết chặt đi lại của người lao động, sản xuất không diễn ra bình thường được; chuỗi cung ứng bị đứt gẫy; chi phí của DN đội lên rất lớn, đặc biệt chi phí ''3 tại chỗ'' - điều này dẫn đến hàng hóa sản xuất bị ùn ứ và nếu có sản xuất cũng không bán được hàng.
“Cùng lúc DN phải chịu 3 áp lực lớn: Áp lực về phòng chống dich, áp lực về kinh tế và hệ lụy về tâm lý xã hội. Hệ lụy về y tế, hệ lụy về kinh tế khắc phục sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian, song hệ lụy tâm lý xã hội là nặng nề nhất. Tôi nghĩ sau cuộc khủng khoảng này, rất nhiều DN sẽ phải rời bỏ thị trường. Bởi họ rất lo lắng, bất an, không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh. Đây là thiệt hại vô cùng lớn, tổn thất nặng nề nhất đối với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Vũ Tiến Lộc lo ngại.
Khảo sát của VIAC cũng cho thấy, có tới trên 20% số đơn hàng, hợp đồng của DN đã không thực hiện được do đối tác chuyển hợp đồng, chuyển đi nơi khác.
“Chúng ta đang bị lỡ nhịp so với các nước xung quanh, trong đó, có cả các đối tác chiến lược và các nước cạnh tranh thị trường. Theo nhận định của tôi, các DN Việt Nam đã bị lỡ mất khoảng 20% cơ hội thị trường”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cũng cho biết, thời gian dịch bệnh khó khăn qua, ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể lên tới 200.000 – 300.000 tỷ đồng, chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền.
Ông Đoàn cho rằng, để xây dựng được một DN vững mạnh đã phải mất rất nhiều thời gian, lên tới 20 – 30 năm và rất nhiều tiền của để trả lương cho nhân viên, chi trả bảo hiểm, đóng thuế… do đó, để tránh các thiệt hại lớn trong thời gian khó khăn này, cần kịp thời hỗ trợ các DN, thông qua việc cho các DN nợ cũng như giãn thời hạn trả. Bên cạnh đó, cần giảm thiểu được các thủ tục cản trở, hạn chế đối với các DN để kịp thời “cởi trói” và thúc đẩy hoạt động của DN lúc này.
Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ DN
Hiện nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, dần mở cửa trở lại cho các hoạt động kinh tế. Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, việc mở cửa chính là gói hỗ trợ cho DN, hay còn gọi là trợ hợp cho DN, để DN “thở” được. Khẳng định đây là thời điểm để DN có thể tái sản xuất, tăng tốc kinh doanh, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ DN. Theo đó, “trợ thở”, thực chất là mở cửa một cách kiên định, mở cửa một cách nhanh chóng. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành, sớm ngày nào tốt cho DN, cho các địa phương, cho người dân ngày đó.
Thứ hai là “tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới. Thứ ba là “thúc đẩy” DN nâng cao năng lực cạnh tranh. DN không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của DN bằng các khóa đào tạo, tập huấn. Bên cạnh đó là cải cách “thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh và “tổ chức” các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.
Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương TP.Hà Nội) nhận định, hiện Việt Nam đang bắt đầu mở cửa trở lại, do đó, DN phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động. Đồng thời, DN cần xây dựng gói tài chính, trong đó, xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ và phải gửi các cơ quan chức năng xem xét.
“Hiện nay, rất nhiều nước áp dụng cơ chế xoá nợ, không đòi được thì phải xoá nợ. Cái gì do khách quan thì xoá bỏ. Ngoài ra, phải có gói kích thích “tiền tươi thóc thật” hỗ trợ DN, phải có phương án dãn hoãn nợ cho DN chứ không chỉ đến 30/6/2022, ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo