Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều quy định trong kinh doanh xăng dầu làm tăng chi phí cho doanh nghiệp

DNVN - Qua nghiên cứu rà soát, nhận diện những bất cập trong quy định kinh doanh xăng dầu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhiều điều kiện làm tăng chi phí cho doanh nghiệp (DN), một số quy định cơ quan quản lý chưa có giải trình cụ thể vì sao áp dụng.

Khó khăn về vốn, doanh nghiệp rơi vào thế chông chênh / Kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tới hết năm 2023

Làm tăng chi phí
Ngày 16/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố báo cáo "Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương: Một số yêu cầu cải cách và kiến nghị.
Kinh doanh xăng dầu là 1 trong 5 vấn đề chính được CIEM tập trung rà soát, đánh giá và phân tích.
Báo cáo của CIEM cho thấy, nhiều quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu làm tăng chi phí cho DN. Cụ thể, về pha chế xăng dầu quy định: Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện pha chế các sản phẩm xăng dầu phải có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, phải có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000 m3 để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên.
"Điều kiện này có thể làm tăng chi phí, trong khi các thương nhân có thể tận dụng phòng thử nghiệm của nhau, đi kèm với các quy định để tránh cạnh tranh không lành mạnh", ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đánh giá.
Với thương nhân phân phối xăng dầu và tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, theo quy định phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000 m3, thuộc sở hữu của DN hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên.
CIEM cho rằng, yêu cầu này cũng gây chi phí cho DN, trong khi không phản ánh được dự trữ xăng dầu thực tế của thương nhân.

Chưa có giải trình hợp lý
Theo quy định hiện nay, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế, bảo đảm tiếp nhận được tàu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn, thuộc sở hữu DN hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ 5 năm trở lên.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM.
"Đây là nội dung khó khăn nhất do đầu tư xây dựng cầu cảng chuyên dụng rất khó khăn, tốn kém. Tuy nhiên, quy định cho phép thuê, đồng sở hữu đã bảo đảm tính linh hoạt hơn. Dấu hỏi nhiều nhất là chưa có giải trình về con số 7.000 tấn", ông Nguyễn Anh Dương nói.
Văn bản pháp lý hiện quy định, thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu. Cụ thể, tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của DN; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Với điều kiện này, CIEM cho rằng, chưa có giải trình hợp lý vì sao thương nhân xuất nhập khẩu lại phải có hệ thống phân phối xăng dầu.
Nhận định tương tự cũng được nhóm nghiên cứu đưa ra khi đề cập đến điều kiện kinh doanh với thương nhân phân phối xăng dầu.
Với tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, yêu cầu có hệ thống phân phối xăng dầu: tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 3 cửa hàng thuộc sở hữu; tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc các đại lý được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định.
"Quy định này cho thấy cơ quan quản lý chưa có giải trình nào hợp lý về các con số yêu cầu cụ thể đối với hệ thống phân phối", Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nhìn nhận.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó
Từ góc nhìn doanh nghiệp, đại diện một DN bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết, các quy định hiện nay áp dụng với các DN bán lẻ còn nhiều bất cập và chưa hợp lý, gây khó khăn cho họ.
Thứ nhất, theo Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn. Cơ quan quản lý cho rằng, quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ chất lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, đại lý bán lẻ xăng dầu là thương nhân, bán hàng phải tuân theo Luật Thương mại và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa bán ra. Quy định này không hợp lý, làm mất khả năng cạnh tranh của DN nhỏ và vừa.
"Hiện Việt Nam có 33 DN đầu mối cung cấp xăng dầu nhưng cửa hàng bán lẻ chỉ được lấy từ 1 nguồn. Dù đầu mối khác có mức chiết khấu tốt thì cửa hàng bán lẻ cũng không thể nhập được hàng vì trái quy định. Cửa hàng muốn lấy mối khác phải lên Sở Công Thương đổi giấy phép và với thủ tục hành chính mất 20 ngày", đại diện DN nêu.
DN bán lẻ xăng dầu phản ánh, nhiều quy định trong kinh doanh xăng dầu còn bất cập, không hợp lý khiến DN gặp khó khăn.
Thứ hai, quy định cửa hàng bán lẻ chỉ được bán lẻ xăng dầu qua cột bơm, không được phép bán buôn. Quy định này triệt tiêu sự cạnh tranh của cửa hàng bán lẻ cũng như triệt tiêu cơ hội của các DN sản xuất. Với bán buôn, cửa hàng cũng như DN sản xuất không bị hao hụt nhiên liệu, tiết kiệm được chi phí nhân công.
Thứ 3, một điều kiện bất hợp lý nữa đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu là quy định cửa hàng xăng dầu phải cách ngã 3, ngã 4 trên 50m. Ngã 3, ngã 4 là nơi thuận tiện, thậm chí giúp giải tỏa ách tắc giao thông. Và theo cơ quan quản lý Nhà nước, quy định cách trên 50m liên quan đến quy định phòng cháy chữa cháy. Nhưng với điều kiện công nghệ phát triển hiện nay, hệ thống chữa cháy tự động khi có vấn đề có thể tự bung ra khối khí, cô lập ô xy và dập tắt đám cháy tức thì.
Thứ 4, quy định cửa hàng xăng dầu phải có đề án bảo vệ môi trường. Đề án bảo vệ môi trường phải được lập và được UBND quận, huyện duyệt. Yêu cầu này làm tăng chi phí cho DN.
Ngoài ra còn một số quy định bất hợp lý khác như yêu cầu cửa hàng phải có phương án cứu hộ cứu nạn chống tràn dầu - điều chỉ áp dụng cho trên sông trên biển; quy định sơn chống cháy tại cửa hàng phải bảo đảm cháy 3 tiếng mà không bị chảy; xuất hóa đơn giá trị gia tăng sau mỗi lượt bán hàng...
Cũng theo DN này, DN bán lẻ xăng dầu khu vực tư nhân chiếm khoảng 80% số lượng cửa hàng. Tuy nhiên, từ khi xảy ra bất ổn trên thị trường xăng dầu, các DN bán lẻ chưa hề được Bộ Công Thương - đơn vị quản lý chuỗi cung ứng xăng dầu - mời tham vấn ý kiến và chia sẻ những khó khăn của DN trong khi các DN bán lẻ xăng dầu đang phải chịu thiệt hại nhiều nhất.
Khi những chính sách khác liên quan đến prenium hay vận tải xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam thay đổi và cơ quan quản lý không cập nhật kịp khiến các DN đầu mối bị lỗ lớn. Khi đó, họ đã cắt chi phí kinh doanh xăng dầu bán lẻ để họ bù vào chi phí của họ. Thời gian dài vừa qua DN đầu mối áp dụng mức chiết khấu bằng 0 gây khó cho DN bán lẻ, thậm chí DN bán lẻ phải tự bỏ chi phí ra để vận chuyển hàng.
Chính phủ đã có những chương trình, hành động DN lớn có vai trò dẫn dắt, nâng đỡ, hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Thế nhưng trong lĩnh vực xăng dầu, tại thời điểm hiện nay, cơ quan quản lý không yêu cầu được DN lớn phải có trách nhiệm với DN nhỏ và vừa.
Do đó, đại diện DN kiến nghị cơ quan quản lý quan tâm sâu sát hơn đến các DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện nay, tiếp tục phục vụ tốt người dân, góp phần ổn định thị trường và phát triển kinh tế đất nước.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm