Hỗ trợ doanh nghiệp

VCCI: Năm 2021, gần 40% doanh nghiệp do nữ làm chủ làm ăn thua lỗ

DNVN - Theo kết quả điều tra các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ dưới tác động của COVID-19 do VCCI vừa công bố, các DN do nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn trong 2 năm dịch bệnh COVID-19. Theo đó, gần 94% DN cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, gần 40% DN làm ăn thua lỗ...

17 ý tưởng, dự án vào chung kết cuộc thi khởi nghiệp khu vực ĐBSCL 2022 / Bến Tre sắp xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên sang Hoa Kỳ

Gần 94% DN bị ảnh hưởng tiêu cực
Đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã càn quét khốc liệt, ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống con người trên phạm vi toàn cầu, gây ra rất nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có các DN do phụ nữ làm chủ.
Tại hội thảo công bố Báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các DN do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 14/11 tại Hà Nội, bà Phan Minh Thủy - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, khảo sát tập trung phân tích những khó khăn, cản trở đối với doanh DN do phụ nữ làm chủ để từ đó có biện pháp khắc phục và thúc đẩy cộng đồng DN do phụ nữ làm chủ phát triển.
Theo khảo sát, năm 2021, 93,9% các DN do nữ làm chủ trả lời bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, chỉ 4,9% không bị ảnh hưởng và một tỷ lệ rất nhỏ 1,2% cho rằng có tác động tích cực. Trong khi đó, năm 2020, 87% trong số các DN do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực, chỉ có 2,7% cho rằng có tác động tích cực.
Báo cáo chỉ ra 4 khó khăn lớn nhất mà các DN phải đối mặt. Cụ thể, 64,5% DN gặp khó về tìm kiếm khách hàng, 34,1% DN cho biết khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng. Trong khi đó, khó khăn về biến động thị trường và tìm kiếm nhân sự phù hợp lần lượt có tỷ lệ là 33,7% và 27%.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, dù DN nữ chịu tác động không nhỏ từ COVID-19 nhưng đóng góp của họ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua vẫn rất tích cực.
Kết quả kinh doanh của các DN do phụ nữ làm chủ ảm đạm hơn khi tỷ lệ DN có lãi giảm, tỷ lệ DN bị thua lỗ tăng. Năm 2020, chỉ 53,2% DN kinh doanh có lãi, tỷ lệ bị thua lỗ là 32,1%. Năm 2021, con số này tương ứng là 42,7% và tỷ lệ thua lỗ tăng mạnh lên mức 39,2%. Các DN do phụ nữ làm chủ có kết quả kinh doanh trong năm 2020 và 2021 kém hơn các năm trước đó và kém hơn so với các DN do nam giới làm chủ.
"Điều đáng chú ý, năm 2019 là năm chưa bị tác động bởi dịch COVID-19, kết quả kinh doanh giảm sút chứng tỏ các DN do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn trở ngại hơn, trong đó có tác động không nhỏ của môi trường kinh doanh", đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá.
Về doanh thu, tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ có bị giảm doanh thu năm 2020 so với 2019 cao hơn tỷ lệ DN do nam giới làm chủ bị giảm doanh thu (tương ứng là 67,2% và 65%). Mức giảm doanh thu của các DN do phụ nữ làm chủ cũng cao hơn (37,3% so với 35,9%). Hơn 2/3 (69,3%) các DN do phụ nữ làm chủ trả lời ước tính doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2020, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ (6%) là có doanh thu tăng.
Theo đánh giá tổng quan môi trường kinh doanh, các lĩnh vực của môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho các DN do nữ làm chủ gồm: tiếp cận đất đai, tính minh bạch, gia nhập thị trường và đào tạo lao động. 3 lĩnh vực có thủ tục hành chính phiền hà nhất được các doanh nhân nữ nêu ra là thuế, phí; đất đai, giải phóng mặt bằng; và bảo hiểm xã hội.
Bình luận về kết quả này, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, dù DN nữ chịu tác động không nhỏ từ dịch COVID-19 nhưng đóng góp của họ vào tăng trưởng kinh tế - xã hội thời gian qua vẫn rất tích cực. Trong danh sách doanh nhân tiêu biểu Việt Nam năm 2022 vừa được VCCI công bố có tới 15 trên tổng số 60 doanh nhân được tuyên dương là nữ, chiếm tỷ lệ 22%.
Cũng theo báo cáo của VCCI, xấp xỉ 90% các DN phải cho người lao động nghỉ việc, tuy nhiên, tỷ lệ này ở các DN do phụ nữ làm chủ thấp hơn DN do nam giới làm chủ, tương ứng là 89,6% so với 91,1%. Điều này cho thấy nữ chủ DN đã rất nỗ lực trong việc giữ chân người lao động.
Về ứng phó và tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, DN do phụ nữ làm chủ đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó như bảo đảm an toàn cho người lao động, dung biện pháp cơ bản để duy trì hoạt động liên tục, biện pháp chuẩn bị ứng phó với bùng phát dịch. Trong khi đó, biện pháp liên quan đến tăng cường công nghệ thông tin, tự động hóa ít được áp dụng hơn.
Cần xây dựng chiến lược phát triển DN do nữ làm chủ
Từ kết quả khát sát trên, VCCI kiến nghị cần tăng cường hỗ trợ DN phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Hoàn thiện chính sách và pháp luật để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp và phát triển DN do phụ nữ làm chủ. Trong đó, cần đánh giá hiệu quả thực thi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đặc biệt là cách thức tiếp cận thông tin hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, nhận được hỗ trợ đối với DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, từ đó sửa đổi, hoàn thiện luật này.
Cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải thiện ở những khía cạnh bất cập nhất. Theo đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ, cải thiên điều kiện gia nhập thị trường. Cùng với việc tăng cường công khai, minh bạch, cần nâng cao chất lượng đào tạo lao động để giúp DN tìm được nhân sự phù hợp.
VCCI kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng chiến lược phát triển DN do phụ nữ làm chủ với các ưu tiên và biện pháp thực hiện cụ thể.
Đặc biệt, VCCI kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng chiến lược phát triển DN do phụ nữ làm chủ với các ưu tiên và biện pháp thực hiện cụ thể có sự tham gia của toàn xã hội nhằm tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ phát triển tiềm năng kinh doanh của họ, góp phần vào sự phát triển của các DN hiện có và tạo thêm nhiều DN, tạo ra việc làm mới, từ đó thúc đẩy nền kinh tế lớn mạnh hơn.
"Để thực sự thúc đẩy phát triển hơn nữa cộng đồng các DN do phụ nữ làm chủ, cần có quyết tâm lớn, cần xây dựng kế hoạch tổng thể với mục tiêu rõ ràng theo từng thời kỳ, theo đó là những giải pháp thực hiện cụ thể với sự vào cuộc của toàn xã hội", bà Phan Minh Thủy nhấn mạnh.
Đồng tình với đề xuất này, ông Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, kiến nghị của VCCI hoàn toàn hợp lý và sẽ là thành tố để thực hiện chiến lược bình đẳng giới rất tốt.
Tuy vậy, chiến lược cần bảo đảm có tính tích hợp và kết nối. Có thể tích hợp các chương trình, dự án, đề án Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức. Hoặc kết nối mạng lưới trong chiến lược này để tạo ra sức mạnh, qua đó mới hỗ trợ cho các DN một cách hiệu quả.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho rằng, chiến lược phải được thể hiện bằng kế hoạch, việc làm cụ thể. Về phía DN, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin trên các cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý Nhà nước. DN cần chủ động cứu lấy mình trước, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, thích ứng biến động của thị trường.
Cũng theo bà Tuyết Minh, hiện trên cả nước có khoảng 650 hiệp hội nhưng thực sự các hiệp hội này có hỗ trợ được cho các hội viên hay không vẫn là câu hỏi lớn. VCCI cần có kiến nghị để có hành lang pháp lý cho các hiệp hội hoạt động và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, từ đó hỗ trợ tốt nhất cho các DN thành viên.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm