Khu kinh tế Cầu Treo: Luồng gió mới sau 10 năm "ngủ quên"
Thai VietJet mở lại đường bay Bangkok – Đà Nẵng từ ngày 27/3/2022 / Doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa đảo: Thủ tướng chỉ đạo 5 bộ, ngành vào cuộc tháo gỡ
Niềm vui trở lại
Khu kinh tế công nghiệp Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được thành lập từ năm 2007 trên diện tích 33ha. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc thu hút đầu tư thấp, chỉ có 4 doanh nghiệp vào đầu tư trên diện tích khoảng 13ha. Một trong những nguyên nhân chính là do cơ chế, chính sách thay đổi. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107 năm 2016 nên nhiều nhà đầu tư sau đó không còn mặn mà hoàn thiện dự án.
Khu kinh tế Cầu Treo nhộn nhịp trở lại sau 10 năm bị ngủ quên.
Mặc dù đang trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng trên các nẻo đường đổ về KCN Đại Kim vẫn khá nhộn nhịp các xe hàng container và hàng trăm công nhân khi buổi tan ca. KCN Đại Kim lâm cảnh đìu hiu, bỏ hoang hơn 10 năm qua nay đang khởi sắc, với những tín hiệu vui từ Nhà máy may Five Star.
Dự án Nhà máy may Five Star có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho CTCP May Five Star Hà Tĩnh từ năm 2016. Sau khi chấp thuận chủ trương, nhà đầu tư đã triển khai một số hạng mục và bỏ hoang một thời gian dài. Đến cuối năm 2021, dự án mới tiếp tục được khởi động lại với hệ thống nhà xưởng, máy móc được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, hiện đại, qui mô 3 nghìn lao động.
Chị Cao Thuỳ Dung- cán bộ phòng Nhân sự, Nhà máy may Five Star cho biết, nhà máy đi vào hoạt động cuối tháng 11/2021. Ngay sau khi đi vào hoạt động, nhà máy đã tuyển dụng và đào tạo được hơn 600 lao động là con em nông dân sống trên địa bàn xã Sơn Kim 1 và các xã lân cận. Qua hơn 1 tháng đào tạo, thử việc, các lao động đã nắm bắt và thành thạo trong các công đoạn của chuyền may.
Cũng theo chị Duyên, trong thời gian đào tạo, thử việc, người lao động được nhà máy trả lương cơ bản 2,5 triệu đồng/người/tháng. Khi đi vào làm việc chính thức, lao động được trả lương theo năng lực làm việc, bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Đối với lao động ở xa trên 15km được nhà máy hỗ trợ tiền xăng xe 200 nghìn đồng/tháng hoặc có xe buýt đưa đón.
Khi người lao động được làm chủ công việc
Vào làm việc tại nhà máy từ những ngày đầu tiên và đã được kí hợp đồng lao động chính thức, chị Trần Thị Thanh Tâm – thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1 cảm thấy rất vui vẻ khi tìm được việc làm có thu nhập ổn định, ngay trên quê hương mình.
“Tôi cảm thấy rất vui khi được làm việc gần nhà và có mức thu nhập bảo đảm để trang trải cuộc sống. Ngoài chế độ lương, chúng tôi đã được hỗ trợ ăn trưa và đóng các loại bảo hiểm đầy đủ theo qui định” – chị Tâm vui vẻ cho biết.
Công nhân luôn chú trọngchất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu.
Bà Lê Thị Kim Nhung - Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Hương Sơn cho biết, xác định tầm quan trong của thu hút đầu tư, tạo việc làm cho lao động địa phương cũng như sự phát triển của doanh nghiệp, thời gian qua, huyện Hương Sơn cũng đã quan tâm, chỉ đạo các địa phương phối hợp với nhà máy trong việc tuyên truyền tuyển dụng lao động. Cùng với đó là tuyên truyền, thông tin rõ các chế độ, chính sách của nhà máy để người lao động lựa chọn, xác định công việc, mức thu nhập.
“Đến nay, việc tuyển dụng đã đạt đạt một số kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu doanh nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương khảo sát, cập nhật nhu cầu, độ tuổi lao động tại các địa phương để có nguồn thông tin lao động chính xác cho doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận các thông tin, chế độ chính sách của doanh nghiệp, từ đó có sự lựa chọn công việc” – bà Nhung cho hay.
Những nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương là động lực, niềm kỳ vọng về một sự sôi động thu hút đầu tư tại KKT Cầu Treo, tạo việc làm, thu nhập cho người dân huyện miền núi biên giới Hương Sơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo