Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành / Cần độ trễ để hạ lãi suất cho vay
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (giảm 0,05%) so với tháng 1 (giảm 0,6%). Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.
Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định, khó lường từ tình hình quốc tế và trong nước, để tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tiền tệ, tín dụng, ngoại hối nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đặc biệt, tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chỉ đạo các TCTD công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).
Đồng thời, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an toàn hệ thống.
Đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan. Chỉ đạo các TCTD phối hợp với các cơ quan địa phương, các hiệp hội bất động sản và kể cả các tập đoàn có các dự án lớn đối thoại trực tiếp để tìm ra những khó khăn, vướng mắc cụ thể.
Đối với lĩnh vực xăng dầu, NHNN tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, giám sát, tập trung giám sát chất lượng tín dụng, cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kịp thời cảnh báo rủi ro, có biện pháp xử lý góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.
NHNN yêu cầu các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. Tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.
Thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn. Rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản bảo đảm cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo