Kích hoạt gói hỗ trợ, doanh nghiệp ngóng từng ngày
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / VINASME họp khẩn về Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ
Những ngày qua, Chính phủ liên tục đưa ra những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, như: tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử cho doanh nghiệp... Đặc biệt là 2 gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa cho doanh nghiệp cũng vừa được Chính phủ kích hoạt.
Không để gói hỗ trợ đi “lạc đường”
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) vừa có báo cáo khảo sát ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo này dựa trên khảo sát 1.200 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Theo khảo sát, dịch Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29%. Chỉ 1,8% số doanh nghiệp được hỏi nhận được tác động tích cực lên doanh thu do dịch bệnh.
“Nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỷ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30.000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, bảo vệ, lao công sẽ mất việc", báo cáo nêu.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần kích hoạt các gói hỗ trợ có hiệu lực ngay với doanh nghiệp. Chẳng hạn, về gói hỗ trợ tín dụng 285 nghìn tỷ đồng, hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được do thiếu tiêu chí để ngân hàng cho vay.
Hay như gói hỗ trợ về gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; gia hạn tiền thuế đất cho đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giày,... vẫn chưa được thực hiện.
Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đánh giá các gói hỗ trợ là động thái tích cực, kịp thời của Chính phủ trong việc có những giải pháp cụ thể, thiết thực giúp người dân, doanh nghiệp đối phó với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh lưu ý, cần có cơ chế để các gói hỗ trợ này sớm đến được doanh nghiệp, bởi đợi thêm một ngày thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Ngoài ra, cần có các giải pháp và tiêu chí cụ thể để dòng tiền đến được với doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn do dịch Covid-19, vì thực tế có những doanh nghiệp gặp khó khăn từ những năm trước và có thể sẽ “mượn cớ” để được hưởng ưu đãi của các gói hỗ trợ này, trong khi những doanh nghiệp thật sự gặp khó khăn do dịch Covid-19 có thể lại không tiếp cận được
Cần có hiệu lực ngay
Đánh giá về chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, chỉ thị đã được ban hành kịp thời, song cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.
Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Tổng cả hai gói hỗ trợ là 285 nghìn tỷ đồng, số tiền rất lớn với nền kinh tế hiện nay. Nên nhớ, chúng ta đã từng có gói kích thích kinh tế 18 nghìn tỷ đồng năm 2009. Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện gói kích thích kinh tế năm 2009 cũng đã để lại nhiều bài học và buộc chúng ta phải cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó 2 rủi ro lớn nhất là trục lợi chính sách và lạm phát”.
Từ những lo lắng trên, ông Long nhấn mạnh điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể gây nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, từ đó không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và rủi ro lạm phát tăng cao sau khi triển khai xong các gói chính sách này.
Nhiều chuyên gia phân tích: Hiện nay, khó khăn bủa vây từ nhiều phía như nguồn cung và cầu. Cụ thể, sức tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đình trệ. Cùng với đó, nguồn nguyên vật liệu để các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc - 2 trong số những quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh. Do đó, kể cả khi gói hỗ trợ được kích hoạt, doanh nghiệp chưa chắc đã tiêu được tiền.
Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách
Từ góc độ chuyên gia tài chính - ngân hàng, Ts. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng vẫn ở mức khá thấp trong khi lực cầu có xu hướng suy yếu, nên rủi ro lạm phát hiện tại là không cao. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Doanh nghiệp mong gói hỗ trợ sớm được thực hiện (Ảnh minh hoạ: Internet)