Kiệt quệ vì chi phí, doanh nghiệp vận tải đề xuất tự mua bộ kit xét nghiệm COVID-19
DNVN - Hơn 1 năm chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp vận tải đường bộ đang ở trong tình trạng kiệt quệ. Doanh thu suy giảm nhưng chi phí tăng lên, đặc biệt là chi phí phát sinh cho xét nghiệm COVID-19.
Giảm lãi suất chưa đủ cứu doanh nghiệp / Cận cảnh dòng xe thế hệ mới Ionex 3.0 đến từ Kymco
Doanh nghiệp gánh chi phí phát sinh và thiệt hại
Tại tọa đàm trực tuyến "Tháo gỡ đình trệ vận tải hàng hóa do COVID-19" do Báo Giao thông tổ chức sáng 26/7, ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam đã đề cập đến khó khăn lớn của doanh nghiệp logistics khi các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Ông Nghĩa cho biết, chi phí xét nghiệm là một trong những mối quan tâm và lo ngại nhất của DN hiện nay. Chi phí xét nghiệm COVID-19 đã khiến nhiều DN vận tải đường bộ rơi vào tình trạng kiệt quệ. Nếu một công ty có 150 lái xe, hiện hàng tháng phải chi trả hơn 300 triệu đồng phí xét nghiệm các loại.
Không những thế, sự thiếu nhất quán trong công tác phòng, chống dịch ở các địa phương đã làm cho doanh nghiệp gặp nhiều cản trở, tắc nghẽn. Ví dụ, trên địa bàn Quảng Ninh, khi vào khu vực cửa khẩu tài xế phải test COVID-19, trong khi bắt đầu vào tỉnh lái xe đã phải test PCR.
Cũng theo ông Nghĩa, sự thiếu nhất quán còn thể hiện ở việc các địa phương áp dụng các quy định vận tải trên đường quốc lộ. Ông Nghĩa so sánh sự chỉ đạo khác nhau giữa tỉnh Hải Dương với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trong hai đợt dịch gần đây. Cụ thể, tại Hải Dương, khi dịch lần 3 bùng phát, UBND tỉnh đã cho đóng cửa Quốc lộ 18 và 52. Trong khi đó, tại đợt dịch thứ 4, Bắc Ninh và Bắc Giang vẫn duy trì vận chuyển hàng hoá Quốc lộ 1A và 18 bình thường, mặc dù mức độ dịch bệnh tại đây nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.
"Mới đây nhất, cũng có thể thấy sự khác biệt giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong khi Quốc lộ 1A qua địa bàn TP Hồ Chí Minh không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16, tuy nhiên tại Hà Nội đã đóng cửa Quốc lộ 1A để phong toả địa bàn. Tôi cho rằng trong trường hợp này chúng ta hoàn toàn có lựa chọn khác để đảm bảo quá trình lưu thông hàng hoá trên quốc lộ khi đi qua địa phận tỉnh", ông Nghĩa nêu.
Vấn đề khác biệt trong quy định phòng chống dịch bệnh liên quan tới thời hạn và cách thức test với lái xe cũng đã được ông Nghĩa chỉ ra. Ngoài ra, khi thay đổi hoặc áp đặt quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh, gây lúng túng cho doanh nghiệp.
Về khó khăn này, ông Nghĩa lấy ví dụ tại Hải Phòng. Theo ông Nghĩa, từ ngày 18 đến 20/7 vừa qua, 3 cửa ngõ đi vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe trong khi các tỉnh khác chưa áp dụng, các doanh nghiệp chưa thể cập nhật thông tin.
"Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hiệp hội DN Logistics Việt Nam ước tính tình trạng trên đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày", ông Nghĩa nói.
Kiến nghị để doanh nghiệp tự mua bộ kit xét nghiệm
Với giả định rằng tất cả cả lái xe của DN đều không có động cơ che giấu tình tình trạng dương tính với SARS-CoV-2, ông Nghĩa kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép DN tự mua bộ kit xét nghiệm COVID-19 để làm xét nghiệm, tự thông báo kết quả xét nghiệm với các cơ quan chức năng.
Theo lý giải của ông Nghĩa, thực tế, nguồn lực của Bộ Y tế trong thời điểm dịch bệnh phức tạp hiện nay không đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm của hàng triệu lái xe đang vận tải hàng hóa.
"Cách "cởi trói" cho DN này sẽ giúp cùng một lúc đạt hai mục tiêu: Bộ Y tế có thời gian làm những việc quan trọng hơn và DN giảm chi phí. Khi dịch bệnh bùng phát ở Bắc Giang, Bộ Y tế đã hướng dẫn cho người dân Bắc Giang sử dụng bộ kit xét nghiệm COVID-19 để tự xét nghiệm cho bản thân. Chúng ta nên triển khai nhân rộng kinh nghiệm này trên toàn quốc, đặc biệt ở những vùng có dịch và hoạt động vận tải", ông Nghĩa đề xuất.
Ông Nghĩa cho biết thêm, ở Châu Âu và Bắc Mỹ, bộ kit xét nghiệm COVID-19 được bán rộng rãi cho người dân sử dụng nhưng ở nước ta đang bị cấm. Nếu so sánh chi phí, giá bộ kit xét nghiệm chỉ vài chục ngàn, trong khi phí xét nghiệm DN ít nhất phải mất 200.000 đồng/lần. Quá trình xét nghiệm này đang vô hình trung gây rủi ro lây lan dịch bệnh.
DN tự test được nếu có cơ sở y tế
Về đề xuất này, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam khẳng định, bộ kit xét nghiệm, đặc biệt các sinh phẩm test nhanh hiện vẫn là hàng hoá kinh doanh có điều kiện và vẫn được Bộ Y tế cấp phép thông qua một Hội đồng thẩm định, và có danh mục công bố công khai. Chúng ta có thể dựa theo các kit đó để thực hiện test nhanh cho người dân.
PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam.
"Hiện nay, ngoài thị trường có những kit dùng để test chui không đảm bảo chất lượng. Bộ Y tế cũng vẫn quy định các cơ sở y tế được thực hiện test COVID-19. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có cơ sở y tế đều có thể tự thực hiện được. Thời gian tới, nếu chúng ta xây dựng quy trình mới, có thể đề xuất trong quy trình đó để Bộ Y tế phối hợp với Bộ GTVT cho phép", PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh thêm, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thời gian dài, việc xây dựng quy trình vận chuyển hàng hoá là vấn đề ưu tiên và phải xây dựng một cách bài bản, tránh việc chúng ta có chút kinh nghiệm rồi lại ra quyết định mới, không thật sự bài bản.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo