Lâm Đồng: Đối thoại với lãnh đạo tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị
Lâm Đồng: Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho chủ doanh nghiệp / Lâm Đồng: Doanh nghiệp vẫn bị sách nhiễu, đi lại nhiều lần
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, chiều 26/12, tại TP. Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 2, năm 2019. Đây là lần đầu tiên, cả Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, 2 Phó Chủ tịch ông Nguyễn Văn Yên và ông Phạm S, cùng chủ trì Hội nghị, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng chủ trì buổi đối thoại với doanh nghiệp lần thứ 2, năm 2019
Tham dự Hội nghị còn có sự hiện diện đầy đủ lãnh đạo các sở ban ngành, cùng đại diện UBND các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, các Hội thành viên và hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo nhanh tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết, để phục vụ cho Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp này, đơn vị đã phát hành phiếu khảo sát gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn, để tiếp nhận những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp. Qua đó thống kê, phân loại báo cáo UBND tỉnh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và xem xét, chỉ đạo giải quyết.
Qua thống kê các phiếu khảo sát nhận về, cho thấy, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tập trung vào một số vấn đề, lĩnh vực chính, như: Cải cách thủ tục hành chính, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...
Về cải cách thủ tục hành chính, một số doanh nghiệp phản ánh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư... thủ tục đã được cắt giảm, ít đi lại nhiều lần, khi đến liên hệ doanh nghiệp được hướng dẫn tận tình, chu đáo, nhưng bộ phận một cửa làm việc còn chậm.
Buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia
Bên cạnh đó, có doanh nghiệp không hài lòng về quy trình thẩm định cấp phép xây dựng, điều chỉnh nội dung giấy phép xây dựng, vì còn chậm trễ trong giải quyết hồ sơ. Do đó đề nghị, thủ tục hành chính cần công khai trên website của tỉnh, của sở và cần ngắn gọn, cụ thể, chứ không nên đưa các câu hướng dẫn chung chung, như: Biểu mẫu theo thông tư, quyết định số..., và nên có sẵn các file mẫu biểu, hướng dẫn chi tiết hơn...
Có doanh nghiệp lại phản ánh, website của sở, ngành thiếu cập nhật kịp thời các quy định và hướng dẫn mới nhất để doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu thông tin và làm theo đúng quy định pháp luật. Chưa cung cấp đầy đủ thông tin để doanh nghiệp có thể dễ dàng tra cứu như thông tin giá cả nông sản trên địa bàn, thông tin thời tiết, lượng mưa, nhiệt độ theo từng tháng và kết quả tổng hợp theo từng năm...; tốc độ truy cập chưa cao, thường xuyên bị nghẽn mạng...
Về lĩnh đất đai, môi trường, một số doanh nghiệp ý kiến việc cấp quyền sở hữu công trình xây dựng rất chậm, thủ tục còn rườm rà, mất nhiều thời gian trong đổi tên sổ đỏ. Cạnh đó còn đề nghị tỉnh cần tạo điều kiện về chính sách cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất chuyên dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp “than” còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay do mới thành lập chưa có tài sản thế chấp, ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp không sát với thực tế; không tiếp cận được nguồn vốn trong đầu tư vì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mục nguồn gốc ghi “Đất nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm”...
Một số doanh nghiệp cho rằng, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng chưa xuyên suốt đến các cấp huyện, xã, phường. Do đó, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sâu sát, cụ thể hơn trong hỗ trợ và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp...
Ông Phan Thanh Sang, chủ thương hiệu hoa lan YSA Orchid, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt đóng góp ý kiến, kiến nghị tại Họi nghị
Theo ghi nhận của phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng với cộng đồng doanh nghiệp lần này, đã có 12 đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhiều ý kiến trao đổi, góp ý, phản ánh, hiến kế... với lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Điển hình như ông Phan Thanh Sang, chủ thương hiệu hoa lan YSA Orchid, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu các giống hoa mới có bản quyền, để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và thương phẩm hoa Đà Lạt.
Ông Sang còn nêu trăn trở, để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, người dân, doanh nghiệp phải đầu tư vào nhà kính với số vốn rất lớn. Thế nhưng, hiện nay, nhà kính lại không được các ngân hàng chấp nhận là tài sản đảm bảo để thế chấp, nên nhiều doanh nghiệp và người dân đành phải đầu tư nhà kính không hợp quy chuẩn, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan... Do đó, đề nghị ngành chức năng cần nghiên cứu chính sách để nhà kính trở thành tài sản thế chấp, giúp người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mà vẫn chủ động được nguồn vốn tái đầu tư, để góp phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao một cách bền vững.
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, Giám đốc Vietravel Đà Lạt góp ý kiến về hướng phát triển ngành du lịch địa phương
Góp ý kiến về phát triển ngành du lịch địa phương, ông Lê Tăng Trọng Nghĩa, Giám đốc Vietravel Đà Lạt, cho biết, tuy du lịch Đà Lạt là ngành kinh tế mũi nhọn và là thương hiệu của quốc gia, nhưng hiện nay việc quản lý công ty lữ hành vẫn còn có sự cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với những đơn vị thời vụ, chộp giật đưa ra giá rất thấp, để tranh giành khách, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu du lịch Đà Lạt.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, ngoài lợi thế về điều kiện tự nhiên thì chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đầu tư, chăm chút cho du lịch Đà Lạt rất nhiều, do đó cần có chính sách phát triển du lịch có chọn lọc, đặc biệt là phát triển du lịch nghĩ dưỡng, đã đến lúc nghĩ đến chất lượng thay vì mãi chạy đua theo số lượng và đặc biệt là cần có sự sàn lọc về chất lượng du khách để mang lại giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, tại buổi đối thoại, đại diện một số nhà đầu tư, như: Công ty TNHH Thành Phong, Công ty TNHH Tam Hà, Công ty TNHH Vườn Thương... cũng đã nêu lại một số khó khăn, tồn tại dai dẳng trong nhiều năm, đã kiến nghị trong nhiều kỳ đối thoại cũng như các cuộc họp, khi triển khai dự án tại huyện Lạc Dương, tại TP. Đà Lạt... với mong muốn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan tiếp tục tích cực hơn nữa trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, để sớm hoàn thành và đưa dự án vào khai thác.
Ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt hẹn lịch và trân trọng mời các doanh nghiệp đến làm việc trực tiếp để bàn thêm về hướng phát triển du lịch địa phương
Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở ban ngành, địa phương liên quan đã có những trao đổi, giải trình thẳng thắn trước những vấn đề, ý kiến thắc mắc của doanh nghiệp nêu ra. Một số vấn đề có liên quan đến nhiều văn bản hướng dẫn, nhiều cơ quan đơn vị, ngành chức năng đã hẹn đại diện doanh nghiệp đến làm việc trực tiếp để hướng dẫn giải quyết một cách thấu đáo.
Điều thú vị đáng ghi nhận là trước một số ý kiến hiến kế, trăn trở của doanh nghiệp với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đặc biệt là phát triển ngành du lịch Đà Lạt... ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt đã đôi lần đáp lời cảm ơn, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị và hẹn lịch trân trọng đón mời các doanh nghiệp đến làm việc trực tiếp, để có nhiều thời gian trao đổi, bàn bạc, nắm bắt ý tưởng cụ thể cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đề nghị các cơ quan nhà nước của tỉnh nghiêm túc lắng nghe, ghi nhận, trao đổi, giải trình và có trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh, trên tinh thần cầu thị, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tôi đề nghị các cơ quan nhà nước của tỉnh nghiêm túc lắng nghe, ghi nhận, trao đổi, giải trình và có trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
“Với môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện tích cực, từ đó nhiều doanh nghiệp đã có những bước phát triển cả về quy mô và chất lượng tăng trưởng, có những đóng góp quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo tỉnh xin ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích và những đóng góp đáng trân trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội trong những năm qua”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo