Hỗ trợ doanh nghiệp

Lo ‘độ vênh’ chính sách làm khó doanh nghiệp

Vẫn còn “độ vênh” giữa Thông tư với Nghị định, thiếu minh bạch, chưa hợp lý, đưa ra các quy định mới không dựa trên thực tế... Điều này dẫn đến làm khó, gây áp lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tốn nhiều chi phí.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn “kép” / Triển vọng lợi nhuận vượt đỉnh lịch sử của ngành thép và tôn mạ

Bàn về chất lượng thi hành các thông tư như hiện nay, dưới góc nhìn từ phía doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), có lưu ý vẫn còn “độ vênh” giữa Thông tư với Nghị định hoặc Luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác.

“Bắt bệnh” thông tư

Chẳng hạn như Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 của Bộ NN&PTNT về việc kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu. Theo đó, hai thông tư này quy định kiểm dịch các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho nhóm sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm.

HINH-3570-1624616830.jpg

“Độ vênh” ở một số thông tư đã làm khó các DN thuỷ sản.

Thế nhưng, những quy định này lại không theo cơ chế và phương thức quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm (tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm tra sang hậu kiểm).

Theo ông Nam, ở một số thông tư có “độ vênh” ngay trong cùng một Bộ, ngành. Như Thông tư 48/2013 của Bộ NN&PTNT (quy định kiểm tra an toàn sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu) với các Thông tư 26/2016 và Thông tư 36/2018 của Bộ NN&PTNT (kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu…).

Hoặc là “vênh” giữa các Bộ có cơ chế kiểm soát giống nhau. Đơn cử như Thông tư 48/2013 của Bộ NN&PTNT và Thông tư 52/2015 của Bộ Y tế đều là quy định về kiểm soát, kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm thực phẩm xuất khẩu (XK), thế nhưng phương thức quản lý rủi ro và kiểm tra khác nhau hoàn toàn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hoài Nam còn lưu ý về tính thực tiễn và mức độ khả thi của chính sách khi ban hành.

Như cách đây 2 năm Bộ Tài nguyên & Môi trường đã cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và Vasep để xây dựng một Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) riêng cho nước thải ao nuôi cá tra và ao nuôi tôm thâm canh - để đáp ứng các đặc thù của các ngành hàng sản xuất này (hiện đang áp QCVN nước thải công nghiệp hoặc QCVN nước thải chăn nuôi – tùy địa phương).

 

“Tuy nhiên đến nay, QCVN này vẫn chưa được ban hành, và đang dự kiến đưa nước thải ao nuôi tôm - cá vào Dự thảo QCVN nước thải công nghiệp, chứ không phải QCVN nước thải chăn nuôi”, ông Nam cho biết.

Theo phản ánh của nhiều DN thuỷ sản thì Dự thảo QCVN mới về nước thải công nghiệp, với các chỉ tiêu còn nghiêm ngặt hơn cả QCVN 40:2011, vẫn sẽ dự kiến tiếp tục được áp dụng cho nước thải của các ao nuôi thủy sản, sẽ càng gây thêm khó khăn và bất khả thi cho việc tuân thủ của các trại nuôi.

Ngoài những vấn đề nêu trên có thể làm khó DN thuỷ sản, thì có những quy định mới trong một số dự thảo nghị định được cho là chưa sát với thực tế cũng làm cho DN ở các ngành nghề khác lo lắng một khi được triển khai trong tương lai.

Tốn thêm nhiều chi phí

Chẳng hạn như Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.Cụ thể, ở Điều 2.2.b Dự thảo bãi bỏ quy định hàng hóa không XK được hoặc bị trả lại được đưa ra lưu thông trên thị trường cần dán nhãn phụ tại Điều 8.2 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

 

Khi đó, các hàng hóa này sẽ phải bỏ nhãn chính (bằng tiếng nước ngoài) và thay bằng nhãn tiếng Việt như nhãn với hàng hóa lưu thông trong nước.

Dẫu biết điều này nhằm không tạo cơ hội cho gian lận thương mại, tuy nhiên, theo ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì quy định như vậy cần cân nhắc đến chi phí có thể tạo ra cho DN.

Nhất là mục đích của việc đưa hàng hóa không XK được về tiêu thụ tại thị trường nội địa là để tránh phải tiêu hủy các hàng hóa này, trong khi hàng hóa vẫn có khả năng sử dụng, đồng thời giúp DN giảm tổn thất về doanh thu.

Cho nên, phía VCCI cho rằng “Quy định như Dự thảo khiến DN phải bóc bỏ nhãn cũ, thậm chí thay cả bao bì bên ngoài, để in nhãn mới bằng tiếng Việt, và tốn thêm nhiều chi phí về nhân công và thời gian để thực hiện việc này.

“Việc này làm gia tăng chi phí để chuyển đổi hàng hóa khi bán nội địa, thậm chí quá đắt đỏ để thực hiện”, VCCI lưu ý.

 

Hoặc như hồi đầu tháng 6/2021, Bộ Tài chính có ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC (có hiệu lực từ tháng 8/2021) hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thông tư này hiện đang gây nhiều phản ứng từ cộng đồng DN khi chưa phù hợp với tình hình thực tế. Nhất là có một số quy định về việc các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải khai và nộp thuế thay các cá nhân kinh doanh trên sàn cũng như cung cấp nhiều thông tin tới cơ quan quản lý thuế.

Điều đó sẽ khiến cho các sàn TMĐT sẽ phát sinh thêm chi phí, sắp xếp về công nghệ và phải bổ sung nguồn lực lớn nếu thực hiện quy định này theo yêu cầu của cơ quan thuế, trong khi thời gian có hiệu lực của Thông tư đang rất gần (từ ngày 1/8/2021).

Quan sát qua một số thông tư gần đây, giới chuyên gia bày tỏ băn khoăn là vẫn có hiện tượng quy định tại thông tư không thống nhất với các văn bản cấp trên, thông tư có các quy định thiếu minh bạch, chưa hợp lý, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của DN.

Thậm chí có những thông tư vẫn quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà không được Luật, Pháp lệnh giao. Và lẽ đương nhiên là điều này đang tạo thêm áp lực về mặt chi phí cho DN vốn đang chịu đựng nhiều khó khăn từ dịch Covid-19.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm