Hỗ trợ doanh nghiệp

Năm 2020, toàn dân Thủ đô hưởng nước sạch từ nước không sạch

DNVN - “Diễn đàn ngành nước Đức - Việt tại thành phố Hà Nội" diễn ra trong 2 ngày 19-20/3 bàn về việc đáp ứng 100% nhu cầu dùng nước sạch của người dân Thủ đô.

Tổng cục Thuế giải đáp hàng loạt câu hỏi về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp / 386 doanh nghiệp được cấp Giấy Chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: Mục tiêu về nước sạch của Thành phố đến năm 2020 là phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch 100%. Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch cho nhân dân Thủ đô, Thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa.
Đến nay, một số dự án cấp nước xã hội hóa hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, trong đó, có Nhà máy nước mặt sông Đuống công suất giai đoạn 1 là 150.000m3/ngđ sử dụng công nghệ của Đức, hoàn thành đưa vào vận hành tháng 10/2018, nâng tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Hà Nội đạt khoảng 1.200.000m3/ngày đêm, trong đó, vẫn duy trì sử dụng nguồn nước ngầm là trên 600.000m3/ngày đêm. Với công suất trên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho khu vực đô thị, nâng tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn lên trên 55,5%, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Tuy nhiên, một số nhà máy nước ngầm, mạng lưới cấp nước đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm nay với công nghệ lạc hậu cần được nâng cấp, thay thế bằng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nước cấp, tiến tới uống tại vòi.
Về việc tiêu thoát nước khu vực đô thị, ông Nguyễn Thế Hùng cho hay: Hiện nay, hệ thống thoát nước thủ đô Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5km2 bao gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ,Thanh Xuân là đã được cải tạo đồng bộ, các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Do đó, vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao, hệ thống thoát nước không tự chảy được.
Về thoát nước, đến nay, đáp ứng được khu vực quận trung tâm và lưu vực sông Tô Lịch, nhu cầu rất lớn để giải quyết, ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Việc thu gom xử lý nước thải đến nay tổng công suất các trạm xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội mới đạt khoảng 276.300m3/ngày đêm mới thu gom, xử lý được trên 30% lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực nội đô.
Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, để hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải đô thị, Thành phố Hà Nội rất mong muốn, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo môi trường Hà Nội bằng những công nghệ, thiết bị mới nhất của khoa học, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu tiêu chí xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại.
Ngài Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đức tại Việt Nam phát biểu: Cách đây không lâu, nhiều dòng sông của Đức cũng bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, hiện nay 99,8% hộ gia đình được xử lý nước thải sinh hoạt, người dân cũng có thể uống nước sạch tại vòi. Có được kết quả này là do Đức đã tiến hành thiết lập các chính sách như: Tính phí nước thải, quy định nước sử dụng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và chú trọng đến việc bảo vệ nguồn nước.
Tính đến nay, Đức đã có hàng trăm các công ty công nghệ, quản lý công nghệ xử lý nước thải được các nước trên thế giới đánh giá cao. Sự kết hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp tư nhân đã mang lại những kết quả nhất định cho ngành nước của nền kinh tế số 1 châu Âu.
Ngài Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đức tại Việt Nam

Ngài Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đức tại Việt Nam.

Ngài Christian Berger chia sẻ, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đừng ngần ngại tiếp cận và học hỏi Hội Hợp tác ngành nước Đức (GWP) về công nghệ xử lý nước sạch, xây dựng hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, thu gom xử lý nước thải Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nói về kinh nghiệm ngành nước của Đức, bà Julie Braune, Giám đốc điều hành GWP cho biết, Đức có trên 150 năm kinh nghiệm trong cấp và xử lý nước thải. Nhiều kinh nghiệm trong xử lý nước đặc biệt và phi tập trung. Mạnh trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và phát triển, đổi mới. Nhiều kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế.
Về số lượng doanh nghiệp, Đức sở hữu 6.200 công ty cấp nước, 7.000 công ty nước thải. Một số DN làm cả cấp và thoát nước. Tại các thành phố lớn có các công ty lớn. Các công ty nhỏ tại nông thôn hoặc hợp tác công ích. Có công ty nhà nước, tư nhân và hợp tác công - tư.
Bà Julie Braune cho rằng, có 5 yếu tố chính tác động đến hiệu quả hoạt động của ngành nước, đó là: An toàn, chất lượng, bền vững, hiệu quả, dịch vụ khách hàng.
Với việc xác định 5 yếu tố chính này, ngành nước Đức đã đạt những thành quả nhất định như:
Gần 1005 tỷ lệ đấu nối, cấp nước liên tục 24/7 không có thông báo ngừng cấp nước, tỷ lệ thất thoát nhỏ hơn 7%, chất lượng nước cấp tốt do có quy định và yêu cầu pháp lý, thường xuyên phân tích và kiểm tra.
Với nhiều kinh nghiệm trong ngành nước, Giám đốc điều hành GWP cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu thêm về việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật và gặp gỡ các công ty Đức mong muốn hợp tác với Việt Nam, qua đó tìm hiểu kinh nghiệm để ngành nước Việt Nam phát triển tốt hơn.
"Diễn đàn ngành nước Đức - Việt tại thành phố Hà Nội" diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/3 gồm hai sự kiện: "Diễn đàn chính sách và nhu cầu và đầu tư ngành nước Hà Nội và Việt Nam" khai mạc vào chiều 19/3, và "Hội thảo công nghệ và kết nối doanh nghiệp" khai mạc vào sáng 20/3.
UBND Thành phố Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Hội Hợp tác ngành nước Đức mong muốn thông qua việc tổ chức diễn đàn sẽ góp phần xúc tiến đầu tư, giới thiệu, phổ biến công nghệ mới trong lĩnh vực cấp thoát nước, kết nối giữa các doanh nghiệp của Đức và Việt Nam cùng hợp tác và phát triển.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm