Nên mạnh dạn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn 10 - 15%?
DNVN - Ban soạn thảo cần “mạnh dạn” đột phá giảm thuế mạnh hơn nữa đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa mức thuế suất xuống 10 - 15% để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp này thay vì 15 - 17% như đề xuất.
Giải bài toán tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội / Boeing có thể bán máy bay trinh sát hiện đại cho Việt Nam
Báo Thanh niên dẫn lời luật sư Trần Xoa Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đưa ra ý kiến trên sau khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó đề xuất mức thuế suất giảm còn 15 - 17% thay vì 20% như hiện nay.
Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội của Bộ Tài chính nêu rõ: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Sau thời gian miễn thuế theo quy định tại khoản này, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Ảnh minh họa.
Thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 03 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Về vấn đề này, luật sư Trần Xoa cho rằng, việc hỗ trợ giảm thuế suất đối với các DNVVN về mức 15 - 17% hiện nay là khá chậm. Vào năm 2016, vấn đề này đã được đặt ra trong dự thảo sửa đổi luật thuế nhưng sau đó lại bỏ ra và đến nay mới có dự thảo nghị quyết.
Do vậy, ban soạn thảo dự thảo cần mạnh dạn đột phá giảm mạnh hơn nữa, đưa mức thuế suất xuống 10 - 15% để hỗ trợ DNVVN thay vì 15 - 17% như đề xuất. Có như vậy mới có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 VN có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN.
Lý giải cho quan điểm này, ông Trần Xoa cho rằng việc mạnh dạn giảm thuế cho DNNVV sẽ được 2 cái lợi. Đó là số lượng DN thành lập mới sẽ tăng nhanh hơn, góp phần đóng thuế nhiều hơn. Đồng thời, với mức thuế suất thấp sẽ hạn chế tình trạng gian lận thuế, ẩn doanh thu tránh thuế, tạo ra số thuế nộp ngân sách tăng lên.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đánh giá, việc thực hiện giảm thuế này có tể làm giảm thu ngân sách khoảng 6.500 tỷ đồng/năm nhưng khoảng giảm thu này sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác.
Ngoài ra, về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.
Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam hiện có hơn 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500 nghìn doanh nghiệp và trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo