Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngân hàng triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại Bình Dương khôi phục sản xuất kinh doanh

DNVN – Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi trong tình hình mới.

Đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số / Bị 19 doanh nghiệp FDI tố "gây khó", tỉnh Tiền Giang khẳng định tạo điều kiện thuận lợi nhưng phải đảm bảo chống dịch


Ngân hàng Nhà nước Việt Nam(NHNN) phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ngày 22/10/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về số ca lây nhiễm dịch COVID-19. Trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, giảm tối đa công suất; các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói riêng.

Đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%). Tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp và với phương châm xác định giải pháp cho doanh nghiệp cũng chính là giải pháp giúp ngân hàng ổn định, phát triển, NHNN phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị về những giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, mục tiêu nhằm đối thoại, trao đổi giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp liên quan đến triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Thời gian qua tại Bình Dương đã có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Bình Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó cụ thể để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn cho vay, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch bệnh.

Toàn ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đồng thời ban hành các Thông tư hướng dẫn về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán liên ngân hàng, hướng dẫn và triển khai chính sách tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng Thương mại (NHTM) để thực hiện hỗ trợ cho một số đối tượng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ..., góp phần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

 

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng. TCTD cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, cũng như sự chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đến nay các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 278 nghìn khách hàng với dư nợ 238 nghìn tỷ đồng. Lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khoảng 531 nghìn tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho hơn 800 nghìn khách hàng. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng. Miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.188 tỷ đồng. Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 223.000 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng. Các kết quả này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã đề nghị các đơn vị trong ngành Ngân hàng tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, trong đó tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi trong tình hình mới.

Đồng thời, các ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.613 tỷ đồng của 16 ngân hàng thương mại (riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho các khách hàng).

Rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách; tăng cường công tác tập huấn về công tác triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

 

Phó Thống đốc cũng chỉ đạo NHCSXH triển khai thống nhất, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả trong toàn hệ thống NHCSXH chính sách cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm