Nghệ An: Gỡ khó giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19
Sau 1 tháng chuyển trạng thái "thích ứng": Doanh nghiệp phàn nàn vẫn bị kiểm tra quá mức / Đà Nẵng: Kết nối cung cầu phục hồi tăng trưởng kinh tế
Doanh nghiệp lao đao trong đại dịch COVID -19
Hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 ở Nghệ An đang cơ bản được khống chế, nhiều địa phương bước vào khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, do trước đó dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải gồng gánh nhiều khoản nợ như lương, bảo hiểm, thuế lên tới hàng tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều chuyến hàng làm ra không thể xuất khẩu do đứt gãy chuỗi cung ứng cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao đứng trước bờ vực phá sản.
Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc được vay vốn 0 đồng để trả lương cho công nhân do ảnh hưởng dịch COVID -19.
Ông Đậu Trọng, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc (đóng tại địa bàn huyện Diễn Châu) chia sẻ, công ty có gần 200 lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc. Dịch COVID-19 kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm khiến công ty gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tiền chi trả lương cho công nhân. Để duy trì sản xuất kinh doanh, công ty đã chủ động triển khai "nhiệm vụ kép" vừa sản xuất, vừa tăng cường phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trọng cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản xuất kinh doanh sụt giảm, thì không chỉ công ty của ông mà hàng loạt công ty khác trên địa bàn sẽ khó khăn chồng chất khi không làm ra sản phẩm nhưng vẫn phải chi trả các chi phí về tiền điện, tiền lương công nhân, tiền lãi suất ngân hàng, tiền bảo hiểm xã hội, tiền thuế, tiền thuê đất.
Cùng quan điểm, ông Phan Xuân Diện - Giám đốc Công ty Dược liệu Pù Mát cho biết: Trước đây, trung bình mỗi tháng công ty sản xuất khoảng 5.000 hộp và 1.000 lọ sản phẩm các loại. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 3 tháng trở lại đây dây chuyền sản xuất của công ty phải tạm ngừng hoạt động, hàng tồn dư trong kho khoảng 40%, doanh thu giảm 50%. Cùng với đó, công ty buộc phải cắt giảm số công nhân làm việc xuống còn một nửa. Nay công ty tái hoạt động nhưng do sản phẩm chưa tiêu thụ được vì các thị trường chủ yếu như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai. Chính vì thế công ty rất khó khăn trong chi trả lương, bảo hiểm cho công nhân.
Ông Diện đề xuất tỉnh Nghệ An cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 như khoanh nợ, cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, miễn giảm thuế, tạm ngừng nộp bảo hiểm và các khoản khác, vay trả lương cho lao động. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất.
Theo Cục Thống kê Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh Nghệ An có 900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. 79 doanh nghiệp giải thể tăng 33,9%.
Hỗ trợ gói vay 0 đồng, gỡ khó giúp doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 6501/UBND-KGBX đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định 23 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ47 doanh nghiệpvay gần 5, 9 tỷ đồng để trả lương và phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID -19.
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 19/11/2021 ngân hàng đã hoàn đã hoàn tất thủ tục giải ngân theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cho 47 doanh nghiệp với số tiền gần 5,9 tỷ đồng trên tổng số 1.964 lượt lao động được hỗ trợ.
Cụ thể, có 13 doanh nghiệp vay vốn trên 3,1 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 1.102 lượt người lao động (599 người lao động được thụ hưởng); 9 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID -19 được vay vốn gần 1,080 tỷ đồng để trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh cho 485 lượt lao động.
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An cho biết, sau khi có chủ trương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch COVID-19, vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đơn vị đã chủ động tuyên truyền, nhanh chóng xử lý hồ sơ xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc làm căn cứ để thực hiện cho vay. Hiện chi nhánh đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ để sớm giải ngân vốn vay, đảm bảo thủ tục đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng.
Ông Phan Xuân Diện - Giám đốc Công ty Dược liệu Pù Mát cho biết: Quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục rất nhanh gọn, tuy số tiền không phải là nhiều nhưng hết sức có ý nghĩa trong việc chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo quyền lợi cho người lao động để họ yên tâm, cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo