Nghị quyết 128 - “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp bắt nhịp phục hồi
Đồng Tháp: Mở rộng thị trường cho sản phẩm rau quả trên kênh thương mại điện tử / Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
Ngày 13/10, vận chuyển hành khách bằng tàu hỏa, xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại, tiếp sau hàng không. Các loại hình giao thông trọng yếu dần khôi phục tạo bước đệm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết để thống nhất quy định thích ứng với dịch trên toàn quốc yêu cầu không để xảy ra tình trạng chia cắt, mỗi địa phương làm một kiểu trong phục hồi kinh tế - xã hội.
Trăn trở lớn với các doanh nghiệp hiện nay là làm thế nào nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Nghị quyết 128 do Chính phủ vừa ban hành về Quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn dịch COVID-19" là tin vui, thống nhất quy định chống dịch trong bối cảnh mới cho toàn bộ các tỉnh, thành, kèm theo việc tạm dừng thực hiện Chỉ thị 15, 16 hay Quyết định 2686 vốn được các địa phương áp dụng khác nhau trong giai đoạn chống dịch trước, phần nào gây ra tình trạng cục bộ, chia cắt, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, Nghị quyết này giúp họ xác định được một cách rõ ràng hơn trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới, tạm gọi là "on - off" - on là hoạt động; off là ngừng hoạt động.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục kinh tế cần được triển khai đồng nhất. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Với các tiêu chí cụ thể để phân loại 4 cấp độ dịch ở các tỉnh thành, Nghị quyết đã cho doanh nghiệp nắm được với cấp độ dịch nào thì doanh nghiệp thuộc ngành nào được "on" hay "off" và "on" hay "off" ở mức độ nào. Những quy định được thống nhất trên toàn quốc giúp tạo thuận lợi cho việc xác định và triển khai kế hoạch kinh doanh.
Mỗi địa phương một kiểu - Rủi ro của kế hoạch phục hồi kinh tế
Nghị quyết 128 ban hành quy định một số lĩnh vực được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ, trong đó có sản xuất, xây dựng, thi công công trình, hay vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ giúp chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, đặc biệt với các ngành sản xuất có đơn hàng tăng cao vào cuối năm.
"Chúng tôi rất mừng và rất phấn khởi. Đây là một cách nhìn nhận chính xác của Chính phủ về hoạt động của ngành xây dựng và như thế có thể cho phép ngành xây dựng lấy lại được thời gian mà chúng tôi đã bị mất vì giãn cách", Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại thận trọng chờ đợi, vì vẫn lo ngại rủi ro các tỉnh, thành sẽ có cách hiểu và vận dụng quy định mới khác nhau.
"Có những địa phương mà hôm qua chúng tôi nhận một văn bản về triển khai lại hoạt động sau bình thường mới, quy định của tỉnh ban hành có dày đến 27 trang, với vô số điều kiện mà tôi nghĩ rằng người ở địa phương đó cũng khó nhớ được. Các địa phương cứ tự ý tăng, giảm điều kiện như thế này thì người bị ảnh hưởng đầu tiên là doanh nghiệp, vì doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho hay.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, sau khi có Nghị quyết 128 phân chia các cấp độ dịch, từ đây các Bộ cần ban hành các tiêu chí mang tính thống nhất, đồng thời các địa phương không tạo ra những quy định riêng.
"Hiện nay, Bộ Y tế cũng ban hành nhiều văn bản quy định về bộ tiêu chí với những người đi từ các vùng có cấp độ dịch khác nhau. Các địa phương cần áp dụng thống nhất, triển khai đồng bộ. Làm sao đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Giới chuyên gia khuyến nghị, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục kinh tế cần được triển khai đồng nhất, nhanh chóng nhằm giúp bắt nhịp phục hồi kịp thời với các nước khác, tránh để doanh nghiệp đánh mất những cơ hội thị trường khó tìm lại được.
Ngoài các giải pháp từ cấp Trung ương, chính quyền các tỉnh, thành ở vùng kinh tế trọng điểm cũng bước đầu đã có những nỗ lực liên kết, thống nhất về chính sách để tạo thuận lợi hơn cho thông thương. Từ đầu tuần này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai phương án đi lại cho người lao động với 3 tỉnh lân cận: Bình Dương, Long An, Tây Ninh ở cả 2 hình thức bằng xe cá nhân và ô tô đưa đón, tạo điều kiện cho người dân các tỉnh quay lại thành phố làm việc, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động để phục hồi sản xuất. Riêng TP Hồ Chí Minh đã cần đến 57.000 lao động trong quý 4 này.
"Thành phố cũng nhận được rất nhiều thông tin người dân ở các địa phương đăng ký quay trở lại làm việc. Sở Giao thông các tỉnh đã kết nối với nhau, đón người dân từ các tỉnh nếu ai có nhu cầu. Thành phố cũng ưu tiên vaccine để doanh nghiệp tiêm cho người lao động, đón lao động trở về", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng chia sẻ.
Tăng cường liên kết, tích hợp dữ liệu trong chính sách phục hồi kinh tế
Khi đã xác định mở cửa nền kinh tế trở lại, theo các chuyên gia, cách quản lý của chính quyền địa phương cần theo hướng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định đã được thống nhất, thay vì tư duy tạo ra các quy định riêng để cấp phép.
"Vấn đề ở đây là tính tuân thủ. Cơ quan quản lý đảm bảo doanh nghiệp và người dân đảm bảo tuân thủ quy định, chứ không còn là đi xin phép. Vừa qua, để phòng chống dịch, các ngành các cấp phải đưa ra các biện pháp tình thế. Bây giờ trong trạng thái thích ứng an toàn, mở cửa trở lại thì chúng ta phải loại bỏ các giấy phép con, tạo thông thoáng cho môi trường kinh doanh, kinh tế mới tăng trưởng được", ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, nói.
"Mỗi bộ, ngành cần có sự phối hợp với Bộ Y tế để ra được bộ tiêu chí an toàn riêng cho từng ngành. Như vậy, vai trò của chính quyền địa phương sẽ là kiểm tra sự tuân thủ, chấp hành theo tiêu chí đó, giúp cho họ có động lực, tự tin để mở cửa hoàn toàn, tránh tình trạng ngăn sông cấm chợ", Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng nêu ý kiến.
Để việc quản lý được nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương, việc tích hợp dữ liệu trên cùng một nền tảng công nghệ được nhận định là yếu tố tiên quyết. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Về dài hạn hơn, để việc quản lý được nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương, việc tích hợp dữ liệu trên cùng một nền tảng công nghệ được nhận định là yếu tố tiên quyết. Những thông tin về an toàn y tế, lộ trình di chuyển, quá trình giao dịch khi được quản lý chung sẽ tránh đứt gãy giao thương theo ranh giới địa lý.
"Những dữ liệu đó đòi hỏi sự tích hợp từ bên giao thông vận tải, y tế, hệ thống giám sát của công an. Công nghệ mang tính tích hợp như vậy cần được đầu tư bài bản ngay từ bây giờ. Còn nếu chúng ta cứ chia cắt, tách rời theo chức năng của từng ngành thì logistics sẽ bị đứt đoạn trong những điều kiện rủi ro khác", Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp trong việc chia sẻ dữ liệu, tích hợp các nền tảng để tạo thuận lợi cho người dân.
Trong thư chúc mừng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp phát triển. Rõ ràng, sự đồng bộ, thống nhất trong chính sách phục hồi kinh tế đóng vai trò rất quan trọng để kiến tạo nên môi trường kinh doanh này.
Ý chí vượt bão của doanh nhân Việt
Bên cạnh sư định hướng, hỗ trợ từ phía Nhà nước, Chính phủ, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp càng cho thấy vai trò quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ thể hiện ở sức chống chịu những sóng gió vừa qua, mà còn là chớp thời cơ để vượt bão, cùng vực dậy cả nền kinh tế.
9 tháng đầu năm nay, chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại ít hơn doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, 73% doanh nghiệp tin rằng tình hình kinh doanh quý 4 sẽ ổn định, hoặc tốt hơn trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Quý 3 cũng là quý tăng trưởng âm và là quý giảm sâu nhất lịch sử thống kê các quý, từ năm 2000. Lực lượng tham gia lao động ở mức thấp nhất 10 năm.
Tuy nhiên, theo Navigos, gần một nửa doanh nghiệp được khảo sát vẫn không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi cho người lao động. Dự báo, kinh tế quý 4 sẽ tăng trưởng mạnh trở lại ở mức 7 - 8%.
"Nếu chúng ta quay trở lại sản xuất bình thường, với tất cả năng lực chúng ta có, không mất năng lực cạnh tranh này thì chúng ta vẫn có cơ hội phục hồi và phát triển. Vấn đề là càng nhanh thì phục hồi càng ngắn", Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, nhận định.
"Với tinh thần vươn lên, có thể vừa phòng chống COVID-19, vừa hoàn thành mục tiêu, cống hiến cho cộng đồng, xã hội, đó là mong muốn của tôi cũng như của các doanh nghiệp nói chung, muốn được hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ", Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga bày tỏ.
Dù trong dịch bệnh, hay khi phục hồi kinh tế, lực lượng doanh nhân đã và vẫn luôn là lực lượng nòng cốt đồng hành cùng đất nước vượt qua mọi thách thức.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới 73% doanh nghiệp tin rằng tình hình kinh doanh quý 4 sẽ ổn định, hoặc tốt hơn trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo