Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhận diện những rào cản đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ

DNVN - Phụ nữ kinh doanh ở Việt Nam phải đối mặt với những rào cản đặc biệt và ngoại lệ so với nam giới, mặc dù những rào cản thường không được đề cập tới trong các văn bản pháp luật.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp chậm đề xuất phương án sử dụng áo phao trên tàu nhà hàng / Quần thể khu du lịch PiNi Đà Lạt xác lập kỷ lục châu Á

Nhiều rào cản

Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ do Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 23/1 tại Hà Nội cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 105.000 trong tổng số 523.000 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang hoạt động là DN do phụ nữ làm chủ. Phần lớn các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang hoạt động do phụ nữ làm chủ là DN siêu nhỏ chiếm 69% và nhỏ 28%.

Sách Trắng về DNNVV do phụ nữ làm chủ tập trung nghiên cứu câu hỏi vì sao phụ nữ chỉ sở hữu và quản lý 20% tổng số DNNVV của Việt Nam và số DN lớn do phụ nữ làm chủ chỉ chiếm 11% tổng số DN. Chỉ 1/5 DNNVV là do phụ nữ làm chủ và quy mô trung bình cũng nhỏ hơn DN do nam giới làm chủ.

Nghiên cứu của Sách Trắng chỉ ra phần lớn lời giải thích cho “sự mất cân bằng về quyền sở hữu” là những thành kiến và định kiến không chính thức đã củng cố quan niệm xã hội rằng phụ nữ không nên làm lãnh đạo DN.

Nói cách khác, phụ nữ kinh doanh ở Việt Nam phải đối mặt với những rào cản đặc biệt và ngoại lệ so với nam giới, mặc dù những rào cản đó thường không được đề cập tới trong các văn bản pháp luật.


Hiện phụ nữ chỉ sở hữu và quản lý 20% tổng số DNNVV của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, trong giai đoạn 2012-2022, số lượng DN do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực DN.

Đã có nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True milk, Vietjet…

Tuy vậy, hiện nay các DN do nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ vẫn phải đối diện với các thách thức, rào cản xuất phát từ một số định kiến xã hội và hủ tục truyền thống.

Sách Trắng chỉ ra rằng, các nữ doanh nhân gặp hàng loạt trở ngại tài chính và phi tài chính. Những trở ngại này cản trở họ phát huy hết tiềm năng kinh doanh của mình.

Trong đó, tiếp cận tàichính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nữ doanh nhân và DNNVV do nữ làm chủ. Họ cho rằng, hạn chế về tiếp cận tài chính là rào cản lớn đối với sự tăng trưởng của DN.

Phần lớn DNNVV do nữ làm chủ đều nhận thấy, dù đúng hoặc sai, rằng rào cản để có được một “suất” tín dụng ưu đãi là quá lớn.

Ngoài ra, mặc dù có nhiều quy định hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ tiếp cận tín dụng những DN này vẫn khó có được khoản tín dụng họ cần.

DN tham gia khảo sát cho biết, hạn chế về tiếp cận thông tin hỗ trợ phát triển DN là rào cản lớn nhất, chỉ xếp sau rào cản về thời gian cần dành cho gia đình.

Các DN này cũng cho biết, các cơ quan Chính phủ thường không cung cấp thông tin rõ ràng và rộng rãi về các chính sách hỗ trợ DNNVV hiện có, đặc biệt là các chính sách dành cho các doanh nhân nữ. Ngoài ra, hạn chế về tiếp cận công nghệ là một rào cản khác đối với tăng trưởng của DN.

Mặc dù cả nam và nữ đều bị hạn chế bởi những chuẩn mực về giới, nhưng ở Việt Nam, phụ nữ phải chịu gánh nặng của bất bình đẳng giới lớn hơn. Trong khi đó, hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đối với các DNNVV do nữ làm chủ bị hạn chế do thiếu dữ liệu chính xác hoặc thiếu dữ liệu hữu ích phân theo giới, độ tuổi và năng lực.

Cần “sân chơi” bình đẳng

Các khuyến nghị trong Sách Trắng hướng tới một “sân chơi” bình đẳng dành cho cả DN do phụ nữ làm chủ và DN do nam giới làm chủ về nghĩa vụ thuế, điều kiện và lãi suất vay vốn. Các khuyến nghị này tập trung vào giúp các phụ nữ có hoài bão, kiến thức và năng lực có thể tiếp cận các cơ hội một cách bình đẳng.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, và các hiệp hội nên tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ và ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ nhóm DN này theo quy định.

Về dài hạn, Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu và quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ có tính chất ưu tiên hơn cho DNNVV do nữ làm chủ như tiếp cận tài chính, quản trị, công nghệ, ươm tạo DN. Các tổ chức hiệp hội ở trung ương và địa phương nên chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực để đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ DN.

Ngoài ra, Sách Trắng hoàn toàn ủng hộ các sáng kiến nhằm củng cố môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả DNNVV...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm