Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều nước thay đổi quy định với nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý gì?

DNVN - Văn phòng SPS Việt Nam vừa đưa ra thông báo về hàng loạt dự thảo thay đổi quy định đối với nông sản hàng hóa xuất khẩu, các doanh nghiệp cần kịp thời thích ứng trước những yêu cầu mới từ thị trường quốc tế.

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp / Tăng cường cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, theo tổng hợp, từ ngày 21/11 đến 20/12/2024, các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra 128 thông báo liên quan đến các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS), trong đó có 98 thông báo dự thảo lấy ý kiến và 30 thông báo đã có hiệu lực.

Trong đó, có một số thông báo cần lưu ý. Thị trường Mỹ thông báo chấm dứt sử dụng các sản phẩm chứa chlorpyrifos và đề xuất loại bỏ mức dư lượng tối đa (MRL) của hoạt chất này trong một số nông sản. Các quy định mới còn bao gồm sửa đổi liên quan đến phụ gia thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật Cyazofamid.

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục siết chặt các quy định với việc thay đổi mức dư lượng tối đa của nhiều hoạt chất như chlorpropham, fuberidazole và methoxyfenozide trên các sản phẩm. Quy định này được áp dụng theo tiêu chuẩn (EU) 2019/627, yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt các sản phẩm động vật làm thực phẩm.


Nhiều thị trường quốc tế thay đổi quy định với nông sản xuất khẩu.

Với thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp than phiền về việc gặp khó khăn trong thủ tục khai báo trực tuyến, gây cản trở tiến độ xuất khẩu nông sản. Trong khi đó, Đài Loan và Hàn Quốc liên tục cập nhật tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phụ gia thực phẩm, buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng.

Trong khi đó, thị trường Anh sửa đổi quy định về kiểm soát chính thức (sức khỏe thực vật, tần suất kiểm tra) năm 2022 và các sửa đổi pháp lý để đảm bảo các biện pháp kiểm soát động vật và sản phẩm động vật tại biên giới hoạt động hiệu quả. Sửa đổi quy định về sâu bệnh, virus, một số yêu cầu nhập khẩu để bao gồm tất cả các loài cây lá kim. Đồng thời thông báo về việc cấp phép 25 chất phụ gia thức ăn chăn nuôi và 1 loại thức ăn chăn nuôi cho mục đích dinh dưỡng cụ thể; thay đổi mức dư lượng tối đa đối (MRL) với hoạt chất propamocarb, fenazaquin, sulfoxaflor, isoflucypram.

Trong khi Brazil đưa ra danh sách hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, quy định về kiểm dịch đối với hoa lan và đậu bắp nhập khẩu thì Australia, New Zealand sửa đổi Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm và các quy định liên quan đến mức dư lượng hóa chất nông nghiệp. Còn Indonesia ban hành dự thảo quy định về bao bì thực phẩm và chứng nhận an toàn cho sản phẩm thủy sản.

Trước những thay đổi trên của nhiều thị trường, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các thay đổi và nhanh chóng điều chỉnh quy trình sản xuất, xuất khẩu. Đây là bước quan trọng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng các yêu cầu mới, tránh rủi ro bị từ chối tại thị trường quốc tế.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm