Ứng dụng công nghệ tăng tốc chuyển đổi chuỗi cung ứng
Doanh nghiệp cần nhiều trợ lực để bứt phá trong năm 2025 / Cần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp
Tại hội thảo “Tăng tốc phát triển bền vững” tại TP Hồ Chí Minh ngày 16/1, các chuyên gia hàng đầu trong đã thảo luận về các giải pháp sáng tạo hướng đến phát triển bền vững. Những nội dung nổi bật xoay quanh tài chính xanh, công nghệ thông minh và sản xuất bền vững.
Ông Raymond Wang - Chủ tịch tổ chức SSBTi.org cho biết, việc thực hành và báo cáo phát triển bền vững theo các tiêu chí ESG (môi trường, quản trị, xã hội) tích hợp vào các chiến lược, chính sách phát triển của doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý rủi ro, tăng tính cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế.
Việc thiếu công cụ phù hợp để giải quyết các vấn đề về phát thải và quản lý bền vững là một thách thức lớn. Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng. Do vậy, cần phải có một phương pháp luận cốt lõi giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn và hiệu quả hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu khác nhau, tránh lãng phí nguồn lực khi phải tuân thủ riêng lẻ từng quy định hay tiêu chuẩn.
Nền tảng của SSBTi hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó trong việc thu thập dữ liệu và tính toán của các nhà cung ứng, đặc biệt trong thu thập dữ liệu chất lượng cao về phát thải thượng nguồn và hạ nguồn. Cốt lõi của nền tảng SSBTi là các dữ liệu gốc sẽ được chuyển đổi tương thích với toàn chuỗi cung ứng. Nền tảng SSBTi là sự kết nối của các cơ sở dữ liệu của châu Âu và châu Á theo nghị định thư về khí nhà kính. Do vậy, nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp lập báo cáo đánh giá tác động theo các khuân khổ mang tính tuân thủ của Ủy ban châu Âu.
Ông Phạm Hoài Trung - Chủ tịch Công ty công nghệ Azitech và tư vấn hỗ trợ thực hành phát triển bền vững GreenGo, đánh giá viên trưởng của nhiều tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ cho thực hành phát triển bền vững cho rằng, việc thực hành ESG cần thiết phải minh bạch theo phương pháp MRV (đo lường – báo cáo – xác minh). Trong đó, việc đo lường được yêu cầu cần phải thực hiện và trả kết quả liên tục theo thời gian thực để hỗ trợ cho công tác theo dõi, giám sát, xử lý tình huống, khắc phục và cải tiến liên tục. Công nghệ trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT) phục vụ hữu hiệu cho các công tác thu thập dữ liệu và phân tích, cảnh báo các ngưỡng giá trị tới hạn và dự báo xu hướng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quản lý khí nhà kính, biến đổi khí hậu và trung hòa carbon, cố vấn cố vấn của SBBTi tại Việt Nam Phạm Hoài Trung, các dữ liệu về ESG bao gồm nhiều chỉ số và KPI khác nhau liên quan đến các yếu tố về môi trường như năng lượng, nước, âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và nhiều chỉ số xác định dấu chân môi trường khác nhau.
"Việc này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần phải có công nghệ quản lý và theo dõi trực quan để tích hợp các dữ liệu phân mảnh khác nhau, từ đó đưa ra báo cáo chính xác và đáng tin cậy, giúp doanh nghiệp chứng minh được tính bền vững trước các đơn vị đánh giá độc lập", ông Trung nhấn mạnh.
Chuyên gia cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng cần đưa vào trong báo cáo phát triển bền vững theo các yêu cầu mang tính tuân thủ và tự nguyện khác nhau là quá trình xác định lượng carbon phát thải ra trên từng đơn vị sản phẩm được sản xuất ra (CFP). Trong đó, việc tiêu thụ năng lượng chiếm một tỷ trọng lớn và mang tính trọng yếu.
Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược quản lý năng lượng có hiệu quả. Trong quá trình này, các giải pháp internet vạn vật (IoT) để thu thập các dữ liệu tiêu thụ điện năng của 3EGREEN là rất cần thiết.
Giải pháp của 3EGREEN hướng vào việc quản lý và đo lường năng lượng liên tục, quản lý thiết bị và phát thải carbon. Ưu điểm của giải pháp 3EGREEN là dễ lắp đặt, chi phí đầu tư thấp, dễ dàng thu thập dữ liệu từ các nguồn tiêu thụ năng lượng đáng kể ở nhiều phạm vi ranh giới khác nhau… Đặc biệt, có thể tiết kiệm được 20-30% năng lượng được sử dụng.
Tiến sĩ Kenneth S Chan đến từ Đại học Michigan (Mỹ) nhận định, vấn đề lớn nhất mà các nhà sản xuất đang gặp phải là dữ liệu bị phân mảnh từ nhiều hệ thống khác nhau trong việc áp dụng quá trình chuyển đổi số (DX), xây dựng hệ thống nhà máy thông minh (SM), chuyển đổi bền vững (SX) và xử lý AI. Cùng với đó là hạn chế về ngân sách đầu tư, thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn để duy trì một hệ thống bao gồm việc áp dụng đầy đủ DX, SM, SX và AI.
Giải pháp mà các thành viên liên minh “hệ thống nhà máy thông minh A1” đưa ra để giúp các doanh nghiệp giải quyết được vấn đề trên là phát triển các khuôn khổ mạnh mẽ và trực tiếp, tích hợp liền mạch các phần mềm áp dụng vào từng giai đoạn phát triển khác nhau; đưa ra các giải pháp tối ưu hóa chi phí cho từng bước thực hành khác nhau cũng như thực tế ảo hệ thống quản lý thông tin, nghiên cứu và phát triển (R&D).
Được biết, hệ thống nhà máy thông minh A1 đã được triển khai thành công cho hơn 100 công ty tại nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Việt Nam...
Các chuyên gia khuyến nghị, để thực sự tăng tốc phát triển bền vững, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ, đồng thời có chiến lược quản lý năng lượng và tuân thủ ESG rõ ràng. Đây không chỉ là bài toán ngắn hạn mà còn là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh lâu dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo