Những lưu ý quan trọng dành cho doanh nghiệp Việt muốn thâm nhập thị trường da giày "tỷ đô" Ấn Độ
DNVN - Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp da giày - túi xách tìm hiểu thị trường và hợp tác hiệu quả với đối tác Ấn Độ, Tham tán thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ vừa cung cấp một số thông tin liên quan đến thị trường Ấn Độ - quốc gia sở hữu nguồn nguyên liệu da thô dồi dào.
Biến nguồn năng lượng gió Lào thành tài nguyên giá trị trên "đất thép" Quảng Trị / Doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư công nghiệp phụ trợ ô tô, xe máy tại Bình Dương
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cuối tháng 8, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách tỉnh Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội muốn tìm hiểu về những thuận lợi và khó khăn khi hướng đến thị trường Ấn Độ. Chính phủ hai bên có những hỗ trợ gì khi doanh nghiệp Việt Nam mở công ty tại Ấn Độ?
Doanh nghiệp cũng muốn tìm hiểu về sản lượng xuất nhập khẩu, phân khúc các sản phẩm, những yêu cầu của thị trường Ấn Độ, hàng rào thuế quan, các vấn đề khi thanh toán cũng như chứng tư cần thiết khi xuất hàng vào Ấn Độ.
Tại hội nghị giao thương xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9 do Bộ Công Thương tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến chiều 30/9, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ đã phản hồi những thông tin trên.
Về tiềm năng thị trường da giày Ấn Độ, quốc gia này có nguồn nguyên liệu về da thô dồi dào. Cụ thể, số đàn trâu, bò của Ấn Độ chiếm 20% tổng số đàn trâu - bò của thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ này với đàn dê và cừu là 11%. Sản lượng da của Ấn Độ chiếm 13% tổng sản lượng da thế giới.
Ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ.
Ấn Độ có bốn ngành da chính: thuộc da, da giày, hàng may mặc bằng da và hàng phụ kiện bằng da.
Các bang sản xuất giày dép và sản phẩm da chính ở Ấn Độ là Tamil Nadu, Tây Bengal, Uttar Pradesh, Maharashtra, Punjab, Karnataka, Madhya Pradesh, Haryana, Kerala, Rajasthan và Jammu & Kashmir.
"Ấn Độ là nước tiêu thụ giày dép lớn thứ hai trên thế giới và thị trường sản phẩm da giày của nước này ước tính đạt khoảng 12 tỷ USD. Phân khúc trải dài từ cấp thấp đến cao cấp. Bên cạnh đó, xuất khẩu da thành phẩm, sản phẩm da và giày dép hàng năm của Ấn Độ đạt khoảng 5 tỷ USD. 100% vốn FDI đã được cho phép trong lĩnh vực này theo lộ trình tự động", ông Bùi Trung Thướng thông tin.
Trong năm tài chính 2021-2022, xuất khẩu da và sản phẩm da của Ấn Độ đạt trị giá 4,87 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu da và các sản phẩm da, phân khúc giày dép chiếm phần lớn xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu trong năm tài chính 2020-2021 và 2021-2022 của nước này lần lượt đạt 1,49 tỷ USD và 2,05 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu giày dép đạt 643 triệu USD năm 2021-2022. Trong đó, Ấn Độ nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, (267 triệu USD) và thứ hai là Việt Nam (157 triệu USD). Thuế suất đối với giày da từ Việt Nam vào Ấn Độ là 5%.
Đánh giá những thuận lợi và khó khăn khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào ngành da giày Ấn Độ, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là thị trường rộng lớn, nhu cầu tiêu thụ lớn; được hưởng lộ trình phê duyệt tự động; nguồn da thuộc của Ấn Độ dồi dào.
Dù cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với ngành công nghiêp nội địa của Ấn Độ nhưng theo ông Bùi Trung Thướng đây là vấn đề thông thường.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo