Hỗ trợ doanh nghiệp

Quan ngại về số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh

DNVN - Quý 1/2019 chứng kiến 14.761 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm trước. 58,4% trong số 15.331 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp theo chương trình rà soát năm 2018.

Dự án thí điểm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Cơ hội vươn ra biển lớn cho SME Việt Nam / Doanh nghiệp tư nhân có từ 3 đảng viên chính thức có thể thành lập chi bộ

Theo chuỗi báo cáo kinh tế vĩ mô hàng quý được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS), trong bối cảnh tăng trưởng GDP ở mức cao, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong Quý 1/2019 lại có sự sụt giảm so với tháng 12/2018. Chỉ số này giảm từ 53,8 điểm xuống lần lượt còn 51,9, 51,2 và 51,9 điểm trong ba tháng đầu năm, thể hiện tốc độ mở rộng chậm ở khu vực sản xuất.
Khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp trong Quý 1. Trong đó, 33,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý 1 tốt hơn so với Quý 4 năm trước và 40,5% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. 54,6% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh Quý 2 tốt hơn Quý 1, trong khi chỉ có 10,6% là dự báo khó khăn hơn.

Theo TCTK, tính chung ba tháng đầu năm nay, cả nước có 28.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 375,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,2% về số doanh nghiệp và tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, VEPR nhận định rằng, tình hình doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh gây nên nhiều quan ngại. Quý 1/2019 chứng kiến 14.761 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, cao hơn 20,8% so với năm trước. 58,4% trong số 15.331 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp theo chương trình rà soát năm 2018.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện.
Quy mô việc làm tạo mới trong ba tháng đầu năm tăng 40,9% (317,6 nghìn người) so với cùng kỳ năm 2018. Xét theo thành phần, tính đến tháng Ba, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,3% (yoy), doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,5%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,5%, doanh nghiệp FDI tăng 3,1%.
Điều này cho thấy, doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực có tăng trưởng việc làm nhanh nhất trong 3 khu vực, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục thu hẹp lao động, phù hợp với khuynh hướng tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng còn chậm.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm