Sắp diễn ra hội thảo kinh tế báo chí trong bối cảnh phát triển kinh tế số
Sử dụng AI trong báo chí đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về nhân văn và đạo đức / Tiền Giang mong muốn báo chí làm cầu nối thông tin đến nhà đầu tư
Hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Khó khăn này một phần do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo - truyền thông và cả người đọc, người xem. Các doanh nghiệp còn cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông, nhất là những năm gần đây. Bên cạnh đó nguồn lực và cơ chế của Nhà nước cho đặt hàng báo chí còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.
Nhằm phân tích làm rõ vấn đề trên, Tạp chí Thông tin và truyền thông, Báo điện tử Vietnamnet (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6” - lần thứ ba (năm 2024).
Tới dự và cũng đồng thời là diễn giả chính của diễn đàn khoa học có nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân. Sự kiện cũng có sự hiện diện của các vị lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Hội đồng lý luận TW, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính.
Cùng với đó là các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông; lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương toàn quốc.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực báo chí truyền thông đến từ Liên minh châu Âu, ASEAN, Trung Quốc, chuyên gia các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Galaxy, Le Bross…
End of content
Không có tin nào tiếp theo