Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp bán lẻ phải làm gì khi khách hàng chạm điện thoại 150 lần/ngày?

DNVN - Đây là câu hỏi được nhiều diễn giả đặt ra và trả lời giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tìm ra hướng đi phát triển thành công trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển không ngừng hiện nay.

Tổng cục Thuế giải đáp hàng loạt câu hỏi về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp / 386 doanh nghiệp được cấp Giấy Chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

Tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam diễn ra vào sáng 20/3, đề cập đến vai trò của công nghệ trong thời đại hiện nay, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khẳng định rằng, công nghệ đã làm thay đổi thị trường bán lẻ.
"Với việc trung bình chạm điện thoại khoảng 150 lần mỗi ngày, khách hàng hiện không chỉ trực tuyến và còn đang sống trực tuyến", ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam

Hành vi của người mua hàng hiện rất đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây. Trong khi đó, quyền lực của người mua hàng cũng tăng lên đáng kể. Điều này bắt nguồn từ sự phát triển của công nghệ. Có thể nói, công nghệ đã làm thay đổi hành vi và quyền lực của người mua hàng.
Trong bối cảnh đó, ông Tuyến cho biết, DN phải ứng dụng công nghệ đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, để không bị đứng ngoài cuộc chơi. Nếu DN không ứng dụng công nghệ thì DN sẽ bỏ qua hơn 70% cơ hội tiếp cận khách hàng.
"Việc DN đánh giá sai tác động và sức mạnh của công nghệ sẽ có tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, DN cần phải nhanh chóng nắm bắt công nghệ để bắt kịp thời đại", ông Tuyến chia sẻ.
Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế - Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - cho biết: giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.
"Thời gian tới với sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, đồng thời thay đổi những hành vi mua sắm của người tiêu dùng xã hội, các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh của mình", ông Phú nói.
Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Chia sẻ về giải pháp giúp doanh nghiệp bán lẻ trụ vững trong thời đại mới, bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Khu vực miền Bắc – Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen Việt Nam đưa ra 5 gợi ý:
Một là nghiên cứu xây dựng mô hình bán hàng đa kênh và cung cấp cho khách hàng sự trải nghiệm liền mạch.
Hai là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe là cơ hội cho nhãn hiệu riêng hoặc sản phẩm phân phối độc quyền.
Ba là khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng.
Bốn là đối với mô hình cửa hàng nhỏ, cần có hiểu biết sâu sắc về người mua hàng nhằm vào 4 yếu tố cơ bản: tối ưu danh mục sản phẩm (bán chạy & đặc thù), đánh giá đồng tiền, tiết kiệm thời gian và khuyến khích mua sắm thường xuyên.
Năm là đảm bảo yếu tố "mới lạ" về sản phẩm và dịch vụ nhằm kích thích mua sắm và sự trung thành của khách hàng.
Trong khi đó, đưa quan điểm cho phát triển bền vững thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho rằng, cần có giải pháp toàn diện và hệ thống mà xây dựng môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu và tiền đề cho mục tiêu để lựa chọn bước đi đúng đắn, chính xác trong từng thời kỳ.
Theo đó, cần có mục tiêu dài hạn và hướng đi cụ thể, đúng đắn có lộ trình gắn với xu thế phát triển của thương mại điện tử và ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh bán lẻ. Trong đó, hệ thống chính sách thực thi sẽ hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho các doanh nghiệp bán lẻ và các doanh nghiệp trong nước liên quan đến hoạt động bán lẻ.
Sau khi chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc và gặt hái được nhiều thành quả tích cực, với kênh bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần với tốc độ tăng trưởng 11,8%.
Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, thiếu tinh thần liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy: quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo năm 2020 là 179 tỷ USD.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm