Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập trung phát triển công nghiệp nền tảng, hỗ trợ các tập đoàn lớn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

DNVN - Bộ Công Thương đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam theo hướng không dàn trải. Chỉ tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên để lĩnh vực này tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đào tạo nhân lực đón cơ hội từ ngành công nghiệp bán dẫn / Gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Theo Bộ Công Thương, sự tiến bộ của công nghiệp chế biến chế tạo giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới. Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua Philippines và Singapore vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP hơn 571 tỷ USD.

Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất. Nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu.

Bộ Công Thương đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam chỉ tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên.

Chia sẻ tại toạ đàm “Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp” ngày 16/11, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, trong quá trình phát triển, Nhật Bản, Hàn Quốc… luôn có những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Bộ đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hình thành các tập đoàn lớn sản xuất lớn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách này không dàn trải mà tập trung vào những ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Đây sẽ là một trong những chuyển biến quan trọng trong xây dựng chính sách xây dựng một nền công nghiệp tự chủ. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới, một điểm đầu tư hấp dẫn các tập đoàn lớn thế giới vào đầu tư tại Việt Nam.

“Tôi tin rằng với sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ, các tổ chức, các hiệp hội và các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát triển mạnh mẽ. Việt Nam sẽ từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành CNHT nói riêng và công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung sẽ phát triển vượt bậc”, ông Tuấn Anh nói.

Bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế quốc tế và đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi là rất quan trọng.

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; làm nền tảng cho việc xây dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi ngành kinh tế, mỗi doanh nghiệp.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm