Hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Nam có tiềm năng về công nghiệp di chuyển thông minh

DNVN - Với sự gia tăng đáng kể về sự ưa chuộng của xe điện và hệ thống giao thông thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng trong lĩnh vực di chuyển thông minh.

Đắk Nông: Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên / Đà Nẵng: Gỡ vướng thủ tục quy hoạch, đất đai cho một số dự án

Thông tin được các diễn giả nhấn mạnh tại hội thảo “Kết nối ngành di chuyển thông minh” ngày 1/11 tại Hà Nội.

Ông Cheng Chih Ting - Trưởng Văn phòng Đại diện Taiwan Trade Center, Inc. tại Hà Nội cho biết, việc Cục Ngoại thương Đài Loan (TITA) và Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) đồng tổ chức hội thảo tại Việt Nam là sự kiện quan trọng trong việc tạo cơ hội đối thoại, trao đổi thông tin và thiết lập liên kết đối tác chính trong ngành công nghiệp di chuyển thông minh.

Ông Tony Meng - Tổng Giám Đốc Delta Electronics tại Việt Nam, nhấn mạnh, với sự gia tăng đáng kể về sự ưa chuộng của xe điện và hệ thống giao thông thông minh, Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng.

"Việt Nam đang chứng kiến một sự gia tăng đáng kể trong sự phát triển các giải pháp di chuyển thông minh. Số lượng xe điện và các hệ thống giao thông thông minh đang ngày càng được ưu chuộng và triển khai rộng rãi.


Ông Tony Meng - Tổng Giám đốc Delta Electronics tại Việt Nam.

Trong tương lai, ngành công nghiệp di chuyển thông minh tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ do sự đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, việc gia tăng nhận thức về vấn đề môi trường và nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp di chuyển tiện ích, bền vững”, ông Tony Meng nhận định.

Trong khi đó, ông Trần Kiên - Phó Tổng giám đốc của Công ty TNHH Advantech Việt Nam, cho biết, công nghệ thông minh trong quản lý giao thông, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng của các mô hình xe điện và cơ sở hạ tầng sạc đang ngày càng trở nên phổ biến.

"Các ứng dụng di động và hệ thống giám sát theo thời gian thực được triển khai để cải thiện an toàn và tăng sự thông suốt trong lưu thông. Cùng với đó là các dự án giao thông công cộng như hệ thống xe buýt thông minh, hệ thống đỗ xe thông minh và các giải pháp tăng cường giao thông công cộng cũng đang được triển khai một cách rất quyết liệt”, ông Kiên cho hay.

Tuy vậy, theo Phó Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Advantech Việt Nam, đầu tư vào lĩnh vực này là thách thức lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Do đó, cần sự hợp tác, đầu tư từ các tập đoàn, tổ chức quốc tế cùng sự hỗ trợ của cơ quan quản lý.

Việc tham gia triển lãm trong năm 2024 về những xu hướng và sản phẩm mới trong lĩnh vực di chuyển thông minh cũng được coi là một trong những giải pháp mà doanh nghiệp trong lĩnh vực này nên lưu tâm.

Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (TAITRA) cho biết, triển lãm “2035 E-Mobility Taiwan” sẽ tập trung vào các giải pháp về năng lượng tái tạo và xe điện, giới thiệu các mô hình xe mới, công nghệ pin tiên tiến.

Trong khi “Taipei AMPA” là triển lãm về ngành công nghiệp ô tô và xe máy, phát triển ô tô tự động thì “AutoTronics Taipei” là triển lãm công nghệ ô tô và xe máy. Triển lãm này tập trung vào các giải pháp IoT (Internet vạn vật) và công nghệ thông minh trong ngành công nghiệp di chuyển.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm