Hỗ trợ doanh nghiệp

Thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4: "Ngược dòng" chủ trương phục hồi, phát triển kinh tế

DNVN - Theo Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), việc UBND TP Hồ Chí Minh áp dụng thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4 tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), đồng thời thể hiện sự "ngược dòng" với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Đưa nông sản sang Iran: Tiềm năng lớn nhưng doanh nghiệp cần có phương án kinh doanh tối ưu / Một đơn vị xuất bản sách thiếu nhi được vinh danh Thương hiệu Vàng 2022

Mức phí cao, thời điểm thu không phù hợp
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của DN từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh.
Đề án “Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” đã được Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua ngày 9/12/2020. Sau giai đoạn ngắn trì hoãn thu do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 tại Việt Nam,
ngày 29/3, UBND TP Hồ Chí Minh có Thông báo số 43/TB-UBND quy định chi tiết về đối tượng và mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và áp dụng thu phí kể từ 1/4/2022.
Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại các tỉnh ngoài TP Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng mức thu là 500 nghìn đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30 nghìn đồng/tấn đối với hàng hóa lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Theo Ban IV, số lượng DN chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định thu phí cảng biển của UBND TP Hồ Chí Minh là đặc biệt lớn.
Mức thu này cao gấp đôi so với mức thu áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh (250.000 đồng/cont đối với container 20ft; 500.000 đồng/cont đối với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng hóa lỏng, hàng rời không đóng trong container).
Ban IV đánh giá, với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như hiện nay, số lượng DN chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là đặc biệt lớn.
Sau quyết định này của UBND TP Hồ Chí Minh, hàng loạt DN, hiệp hội, bao gồm cả khối DN FDI và DN trong nước đã gửi phản ánh, kiến nghị tới UBND TP Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh và gửi lên các cấp để phản ánh các vấn đề bất cập.
Theo các DN, mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của DN ngay sau đại dịch.
Thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, qua đó cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP Hồ Chí Minh và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận là không phù hợp với pháp luật về hải quan, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các DN tại các tỉnh lân cận, khiến DN các tỉnh lân cận vì bài toán chi phí có xu hướng đổ dồn về TP Hồ Chí Minh để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải trong khâu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng của TP Hồ Chí Minh.
Gia tăng gánh nặng chi phí mới cho DN
Căn cứ các phản ánh, kiến nghị của DN, hiệp hội, thông qua trao đổi thảo luận với chuyên gia kinh tế và chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, Ban IV đánh giá, các bất cập nêu trên đã và đang tạo ra một số hệ lụy không nhỏ, vừa ảnh hưởng tới hoạt động trực tiếp của DN vừa tác động tiêu cực tới một số mục tiêu của nền kinh tế và các mặt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như khâu thực thi pháp luật trong hệ thống các cơ quan hành pháp.
Theo Ban IV, việc TP Hồ Chí Minh gia tăng gánh nặng chi phí mới cho DN xuất nhập khẩu giữa bối cảnh chi phí logistic đã tăng quá cao trong thời gian qua thể hiện sự “ngược dòng” với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm, nỗ lực và yêu cầu đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ DN để tạo đà cho phục hồi DN và nền kinh tế, quyết định của một địa phương như vậy có thể làm giảm rất nhiều niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời tạo ra hệ lụy là tăng chi phí logistics, đội giá thành sản xuất kinh doanh, khiến DN càng thêm khó khăn hơn trong việc cạnh tranh, phục hồi và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư trong nước.
Việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh và ngoài TP Hồ Chí Minh là không phù hợp Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các DN tại các tỉnh lân cận. Đồng thời cũng gây xáo trộn trong công tác quản lý của chính quyền và hệ thống cơ quan hải quan các tỉnh giáp TP Hồ Chí Minh với hoạt động của các DN trên địa bàn trước xu hướng “dịch chuyển” sau biện pháp kĩ thuật của TP Hồ Chí Minh về phân biệt mức phí.
Ban IV cũng cho rằng, việc có quy định không chính xác về một số đối tượng thu phí như phản ánh của một số hiệp hội cũng không phù hợp với pháp luật về Phí, lệ phí hiện hành và ảnh hưởng đến niềm tin của DN vào chính sách, pháp luật của nhà nước. Đồng thời, với 1 số lĩnh vực đang cần đặc biệt thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển như lĩnh vực thủy nội địa để giảm tải gánh nặng cho các hạ tầng khác, sẽ không đạt mục tiêu và chủ trương chung của quốc gia.
Kiến nghị dừng thu phí
Từ thực tiễn nêu trên, Ban IV cùng các Hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, thực hiện khẩn trương một số vấn đề:
Một là, bài toán lợi ích của địa phương phải được cân nhắc sau bài toán chung của quốc gia. Theo đó, DN, hiệp hội đề nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho DN và nền kinh tế phục hồi, phát triển.
Hai là, trường hợp khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hoàn toàn, DN cũng đã cơ bản phục hồi, nếu có xem xét triển khai thu phí thì mức phí được ban hành phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan. Tức là thu trên cơ sở minh bạch nguồn đầu tư trước đó, thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác của Thành phố, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan.
Ba là, không thu phí đối với những đối tượng không đúng theo quy định của Luật và các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Cụ thể, không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa. Không thu phí cơ sở hạ tầng cảng biển đối với hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm