Thương mại toàn cầu biến động, giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng?
Đà Nẵng: Đề nghị phân cấp đề xuất, trình phê duyệt chủ trương đầu tư / Ứng dụng công nghệ tăng tốc chuyển đổi chuỗi cung ứng
Gần đây, ba xu hướng lớn đang định hình thương mại thế giới: phân mảnh kinh tế làm gia tăng thuế quan, bảo hộ thương mại thông qua các rào cản kỹ thuật, và sự khó lường trong chính sách khiến chuỗi cung ứng bị xáo trộn. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU ngày càng siết chặt các quy định liên quan đến phát triển bền vững, môi trường và lao động.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi đầu tháng 2/2025, Tổng thống Donald Trump kích hoạt tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật IEEPA, áp thuế bổ sung 25% với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và 10% với hàng Trung Quốc. Mặc dù Canada và Mexico tạm thời được miễn trừ, Trung Quốc đáp trả bằng cách hạn chế xuất khẩu khoáng sản quan trọng, đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào vòng xoáy mới.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Vụ thị trường nước ngoài, hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát, nắm bắt thông tin diễn biến tình hình thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp. Đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
![](https://media.doanhnghiepvn.vn/Images/Uploaded/Share/2025/02/12/ho-tro-dn-thich-ung-1.jpg?format=webp)
Ngành Công Thương cũng luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm; lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng/hàm lượng cộng nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại Việt Nam là mục tiêu; tận dụng những lợi thế sẵn có của Việt Nam, để từng bước nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam chuỗi cung ứng của thế giới cũng như trên thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu.
Trước hết, Bộ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần 70 cơ chế hợp tác song phương, mở rộng thị trường trọng điểm, khai phá thị trường ngách và tiềm năng. Đồng thời, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua nghiên cứu cơ hội, xúc tiến thương mại và đàm phán các FTA mới.
Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị tăng cường sự hiện diện của đại diện thương mại Việt Nam tại các thị trường tiềm năng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích kinh tế. Song song đó, các đơn vị trực thuộc sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cập nhật thông tin về kinh tế, chính sách toàn cầu, từ đó kịp thời cảnh báo và tham mưu cho Chính phủ các giải pháp phù hợp.
Nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu, Bộ tiếp tục thực hiện Đề án chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, siết chặt kiểm soát FDI để tránh việc Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển hàng hóa. Đồng thời, thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Đối với doanh nghiệp, Bộ sẽ hỗ trợ theo từng ngành hàng, khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo và sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, đồng thời huy động chuyên gia đào tạo về các quy định thị trường xuất khẩu.
Các biện pháp khác bao gồm tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong và ngoài nước, cũng như bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước các vụ kiện thương mại.
Riêng với thị trường Mỹ, Bộ Công Thương nhận định quan hệ thương mại hai nước mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Trong thời gian tới, hợp tác song phương sẽ tiếp tục phát triển ổn định, các vấn đề kinh tế nếu phát sinh sẽ được giải quyết qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA).
Theo Bộ Công Thương, để tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động và khó khăn, ngoài nỗ lực từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, còn phải dựa vào sự nhạy bén, chủ động bám sát thị trường và khả năng thích ứng, tìm tòi và phát triển năng lực cạnh tranh của bản thân các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường.... Bên cạnh đó, cần chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo