TP Hồ Chí Minh kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác chiều sâu thị trường EU
DNVN - Tại diễn đàn thương mại Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), bà Phan Thị Thắng- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác chiều sâu thị trường EU sau đại dịch.
TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp kêu không thể trụ nổi với gánh nặng chi phí xét nghiệm COVID-19 / TP Hồ Chí Minh “hồi sức” cho doanh nghiệp: Hoàn thuế sớm, kiến nghị tiền chống dịch hạch toán vào chi phí
Phát biểu tại “Diễn đàn thương mại Việt Nam-EU – Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”, sáng 27/10, bà Phan Thị Thắng- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế là thách thức toàn cầu, TP Hồ Chí Minh xác định đây là một mục tiêu lâu dài và cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương đến địa phương, cũng như sự phối hợp của các quốc gia, trong đó có EU.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác chiều sâu thị trường EU
Đối với TP Hồ Chí Minh, EU luôn là nhà đầu tư và là đối tác thương mại truyền thống, thị trường xuất siêu truyền thống.
Về đầu tư, trong hơn 30 năm qua, tổng số dự án đầu tư trực tiếp của EU vào TP Hồ Chí Minh là 1.025 dự án (chiếm gần 10% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đạt 3,4 tỷ USD.
Riêng 8 tháng đầu năm 2021, tổng số dự án đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư châu Âu vào TP Hồ Chí Minh là 74 dự án (chiếm tỷ lệ 19,2 % tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng vốn đầu tư trực tiếp đạt 95,6 triệu USD (chiếm tỷ lệ 25,5 % tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Nhà đầu tư châu Âu chủ yếu từ các quốc gia: Đức, Pháp, Hà Lan, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch… Một số ngành nghề đầu tư chủ yếu như: công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; thông tin và truyền thông,…
Về thương mại, EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của TP Hồ Chí Minh (sau Mỹ, Trung Quốc) và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 (sau Trung Quốc). Kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm tỷ trọng khoảng gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của TP sang EU đạt 5,1 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ EU đạt 2,9 tỷ USD. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của TP sang EU đạt 3,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 2,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, từ thời điểm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp TP vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt như kỳ vọng ban đầu.
Nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định trong tình hình mới, sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần phục hồi kinh tế, TP đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.
Đó là đẩy mạnh hoạt động tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trên địa bàn TP; Ban hành Kế hoạch số 3066/KH-UBND về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP từ sau 15/09/2021; Ban hành ban hanh Chỉ thị số 18/CT-UBND về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội…
Cùng với đó, TP đẩy mạnh hoạt động hợp tác liên kết vùng giữa TP với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
“TP tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm để khai thác về chiều sâu đối với thị trường quan trọng như châu Âu. TP xem đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp được hưởng thuế suất ưu đãi từ Hiệp định, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu”, bà Phan Thị Thắng khẳng định.
Bên cạnh đó, theo bà Thắng, TP Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP, giúp kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp trong khối EU.
Nhằm định hướng hoạt động xuất khẩu theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (TP sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam) và cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao như: phần mềm, sản phẩm nội dung số; nông sản được canh tác - tinh chế bằng công nghệ cao... , TP đã ban hành “Đề án Phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030”.
Đây chính là định hướng để vừa giữ được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vừa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác về “chiều sâu” đối với các thị trường xuất khẩu trong đó có thị trường EU.
TP Hồ Chí Minh ban hành “Đề án Phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
“TP Hồ Chí Minh là cửa ngõ của cả khu vực phía Nam để xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu. Vì vậy, chiến lược của TP trong thời gian tới là phát triển các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu, phát triển về hạ tầng logistics để cùng với các tỉnh phía Nam đưa hàng hóa vào châu Âu với chi phí thấp hơn.
TP đã và đang triển khai Đề án Phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo tinh thần phát huy liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh/thành phố Đông - Tây Nam bộ, giúp doanh nghiệp giảm chi phí xuất nhập khẩu, khai thác tốt các cơ hội mang lại từ các Hiệp định Thương mại tự do”, bà Thắng nhấn mạnh.
Thông qua Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao các nước thành viên EU tại Việt Nam, lãnh đạo EuroCham phối hợp, hỗ trợ thông tin về môi trường kinh doanh, chính sách và dự án thu hút đầu tư tại TP Hồ Chí Minh để các doanh nghiệp EU tìm hiểu đầu tư vào TP. Đặc biệt trong các lĩnh vực EU có thế mạnh và TP đặt trọng tâm phát triển, thu hút đầu tư như xây dựng các trung tâm logistics, dự án nhằm phát triển đô thị thông minh, sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan của EU để xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục về chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU.
Đồng thời, đề xuất Bộ Công Thương quan tâm phối hợp với chính quyền TP Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng có ưu thế của TP sang thị trường EU.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo