TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp kêu không thể trụ nổi với gánh nặng chi phí xét nghiệm COVID-19
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19
Doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi yêu cầu xét nghiệm COVID-19
Thời gian qua, các cấp chính quyền TP Hồ Chí Minh đã và đang từng bước mở lại hoạt động giao dịch, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Cùng với đó, chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố. Trong đó, có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Cụ thể, người lao động tham gia sản xuất phải có thẻ xanh COVID-19 hoặc thẻ xanh COVID (giới hạn hoạt động), được xét nghiệm âm tính Sars-CoV-2 trước khi vào làm việc. Tần suất xét nghiệm cho các nhóm đối tượng lao động theo quy định của ngành y tế (7 ngày/lần đối với nhóm thông thường, 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao). Kiểm soát mật độ người lao động ở các phân xưởng từ 4m2 trở lên và khoảng cách giữa 2 người lao động từ 2m trở lên. Trường hợp không bảo đảm phải có vách ngăn giữa 2 người lao động hoặc người lao động có sử dụng kính che giọt bắn. Trang bị cơ sở vật chất, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; bảo đảm vệ sinh môi trường phòng chống dịch tại khu vực. Tổ chức bữa ăn ca cho người lao động, kiểm soát lưu trú của người lao động. Có phương án tổ chức sản xuất an toàn và phòng chống dịch…
Thế nhưng, theo phản ánh của các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh có một số tiêu chí không thể đáp ứng được. Theo đó là tần suất xét nghiệm cho các nhóm đối tượng lao động theo quy định của ngành y tế.
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh lo không trụ nổi với chi phí xét nghiệm COVID-19.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm cơ khí để cung cấp cho các nhà máy tại thị trường Bình Dương và Đồng Nai, hơn nửa tháng nay, ông Phạm Thành Tâm, Giám đốc Công ty Kỹ thuật Cơ khí Chất Thép (TP Thủ Đức) đang ráo riết chuẩn bị những phương án hoạt động cuối cùng để chuẩn bị mở lại các xưởng sản xuất vào tháng 10.
Theo ông Tâm, mọi năm vào thời điểm này, doanh số bán hàng của công ty thường tăng đến 30% do nhu cầu của khách hàng rất lớn, nhưng từ khi bắt đầu đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện đã khiến tình hình công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 4 xưởng sản xuất của doanh nghiệp ông Tâm buộc phải đóng cửa để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch của TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên thì vẫn phải duy trì, khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn.
Mới đây, sau khi nhận được thông tin TP Hồ Chí Minh ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 về hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố để mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ngày 30/9, ông Tâm và các cộng sự đã lên kế hoạch chuẩn bị lại các phương án để đưa các cơ sở sản xuất trở lại hoạt động. Song theo ông Tâm, sẽ rất khó để đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí nêu trên, nhất là quy định xét nghiệm cho toàn bộ người lao động.
Sau hơn 3 tháng ngừng hoạt động, nguồn kinh phí của doanh nghiệp bị cắt đứt hoàn toàn nên với quy định 3 hay 7 ngày xét nghiệm COVID-19 dự kiến sẽ gây áp lực rất lớn lên công ty.
“Công ty tôi có hơn 500 người lao động được phân bố đều 4 cơ sở sản xuất. Theo phương án dần mở lại sản xuất kinh doanh mà TP Hồ Chí Minh đưa ra, giai đoạn 1 sẽ có khoảng 180 người đi làm. Do địa chỉ các xưởng nằm trong vùng đỏ nên theo định kỳ cứ 3 ngày tổ chức xét nghiệm một lần, với giá mỗi bộ kit test nhanh vào khoảng 120.000 đồng (chưa VAT) thì 1 tháng doanh nghiệp tôi phải chi ra hơn 200 triệu đồng để xét nghiệm cho số lượng lao động giai đoạn này. Nếu xét nghiệm cho toàn bộ hơn 500 người thì một tháng gần 1 tỷ đồng, chi phí này quá lớn với doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Trong khi đó, do mới mở lại sản xuất thì khách hàng vẫn chưa có nhiểu, cộng với các khoản phí phải chi ra hàng tháng thì doanh nghiệp xác định chỉ mở cửa để duy trì đơn hàng cho đối tác cũ chứ không giám nghĩ đến có lãi”, ông Tâm nói và cho biết ban lãnh đạo công ty đang lên kế hoạch thay đổi phương thức sản xuất theo bộ tiêu chí mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành cho phù hợp doanh nghiệp.
Hiện nay, nguồn tài chính của nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng kiệt quệ vì chi phí xét nghiệm, 3 tại chỗ...
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân May mặc Duyên Hải (huyện Củ Chi) cho biết, khi TP Hồ Chí Minh ban hành phương án sản xuất “3 tại chỗ” thì doanh nghiệp cũng đã đăng ký thực hiện để duy trì nguồn hàng cung ứng cho đối tác. Thời điểm đó, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh khốn đốn khi liên tục phải xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên theo quy định và nay khi thành phố đang dần mở cửa kinh tế tiêu chí này vẫn không thay đổi.
Theo bà Hương Giang, hiện nay dịch bệnh diễn biến rất nhanh nên chỉ sợ bộ tiêu chí này không còn phù hợp chỉ sau vài tuần áp dụng, khi đó lại phải thay đổi thì doanh nghiệp lại càng tốn chi phí. “Thời gian qua, doanh nghiệp gặp khó khăn về vấn đề quy định cũng như chính sách chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Thực tế các chính sách trước đó còn thiếu tính thực tiễn và thay đổi nhanh cũng khiến doanh nghiệp chúng tôi khó khăn trong thực hiện. Trong đó, có thể kể đến một số quy định trong thời gian qua như: quy định về hàng hoá thiết yếu còn mơ hồ; quy định về việc có giấy xét nghiệm âm tính; quy định về ra vào tỉnh, luồng xanh…”, bà Hương Giang cho biết.
Theo bà Hương Giang, hiện nguồn tài chính của công ty bà cũng như những doanh nghiệp khác sau thời gian dài áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” đã kiệt quệ. Do đó nếu tăng thêm chi phí xét nghiệm định kỳ COVID-19 theo yêu cầu của Bộ tiêu chí mới đưa ra thì doanh nghiệp khó có thể trụ nổi dù được tạo điều kiện mở cửa.
“Khi đã xác định sống chung với dịch thì người lao động đã tiêm đủ số lượng vaccine, do đó việc xét nghiệm vài ba ngày một lần sẽ rất tốn kém cho doanh nghiệp. Đặc thù doanh nghiệp ngành may sẽ có số lao động rất đông, giả sử chi phí xét nghiệm trung bình có giá 200.000 đồng/người/lần nếu doanh nghiệp có 1.000 lao động thì sẽ mất 200 triệu đồng/lần, trong khi đó cứ 3-7 ngày phải xét nghiệm lại thì mỗi tháng doanh nghiệp sẽ mất hàng tỷ đồng, chưa kể chi phí phát sinh khác. Thật sự rất tốn kém!”, bà Hương Giang nói. Đồng thời cho hay, khi các doanh nghiệp đồng loạt hoạt động trở lại sau ngày 30/9 thì số lượng lao động làm việc cực kỳ lớn, lúc đó phương án xét nghiệm như thế nào? Lực lượng y tế có đủ để thực hiện hay không vẫn là vấn đề cần quan tâm.
Mong giãn thời gian hoặc hỗ trợ phí xét nghiệm cho doanh nghiệp
Bà Hương Giang cho rằng, hiện doanh nghiệp rất có ý thức trong phòng dịch và hiểu rõ ảnh hưởng của dịch bệnh nghiêm trọng như thế nào. Với mục tiêu khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở cửa sản xuất trở lại thì TP Hồ Chí Minh chỉ cần đưa ra các điều kiện chung tối thiểu như quy định 5K để doanh nghiệp phòng chống dịch, sau đó có kiểm tra định kỳ.
“Khi TP Hồ Chí Minh đã phủ được 70% số lượng tiêm vaccine cho người dân thì nên mạnh dạn ưu tiên cho doanh nghiệp mở cửa sản xuất để vực dậy nền kinh tế. Đặc biệt, thành phố nên trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và lên phương án phòng chống dịch tại cơ sở của họ. Lúc đó doanh nghiệp sẽ tự test cho người lao động và có báo cáo cho cơ quan chức năng. Chứ không nên đưa ra quy định bắt buộc doanh nghiệp xét nghiệm 3 hay 7 ngày, trong khi đó công nhân đã tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine. Chi phí xét nghiệm sẽ vô cùng tốn kém”, bà Hương Giang cho hay.
Hơn 2 tháng qua, nhiều doanh nghiệp phải gồng mình gánh hàng loạt phí để duy trì hoạt động sản xuất...
Theo bà Hương Giang, đễ hỗ trợ doanh nghiệp mở cửa trong giai đoạn này thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí xét nghiệm COVID cho tất cả người lao động tại doanh nghiệp cũng như nhà máy của TP Hồ Chí Minh. “Khi chuỗi cung ứng, sản xuất của doanh nghiệp đã đứt gãy thì việc hỗ trợ chi phí xét nghiệm và chích ngừa là giải pháp cứu sống doanh nghiệp”, bà Giang nói.
Còn ông Phạm Thành Tâm thì cho hay, TP Hồ Chí Minh đang hướng đến tiêm đủ 2 mũi vaccine và khi người lao động đã tiêm đủ thì việc xét nghiệm 7 ngày/lần với nhóm lao động thông thường và 3 ngày/lần với nhóm nguy cơ cao có thực sự cần thiết hay không. Hơn nữa trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ đảm bảo người lao động di chuyển 1 cung đường và 2 điểm đến là từ nhà đến xưởng sản xuất và ngược lại cũng như đi chợ hộ cho người lao động.
Do đó, ông Tâm cho rằng nên giảm tần suất xét nghiệm cho doanh nghiệp theo yêu cầu của bộ tiêu chí, khi đó dẽ giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. “Chúng tôi cũng muốn sau ngày 30/9 thành phố cho phép doanh nghiệp chỉ cần test định kỳ 1 tháng/lần, thậm chí sẽ không xét nghiệm cho toàn bộ mà chỉ xét nghiệm ngẫu nhiên”, ông Tâm đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo