Hỗ trợ doanh nghiệp

Trăn trở việc doanh nghiệp đối phó với EPR

DNVN - Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được coi là con đường đúng đắn, mang lại nhiều ý nghĩa cho môi trường và xã hội. Tuy nhiên, hiện còn những băn khoăn về việc doanh nghiệp thực hiện EPR theo hình thức đối phó hay trách nhiệm.

Đề xuất nâng vốn điều lệ tối thiểu quỹ bảo lãnh tín dụng lên 10.000 tỷ đồng / Bàn giải pháp nâng cao chất lượng chế biến thủy sản

EPR không chỉ tác động đến môi trường

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) yêu cầu các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với việc thu gom, tái chế và xử lý các sản phẩm của họ sau khi không còn sử dụng được nữa.

Tại Việt Nam, theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật này, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.

Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025. Trong khi đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Tại toạ đàm “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Từ chính sách đến thực thi” ngày 4/4, ông Hoàng Thành Vĩnh - Cán bộ chương trình phụ trách Chất thải và Kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam cho biết, Việt Nam rất tích cực để đưa EPR vào cuộc sống. Đây là con đường đi đúng đắn và mang lại nhiều ý nghĩa cho môi trường và xã hội.

EPR không chỉ tác động đến môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo bà Mette Moglestue - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, EPR có những tác động hết sức quan trọng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực môi trường, EPR còn thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy hợp tác trong chuỗi tái chế và cơ hội việc làm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm đã được tái chế. Và cách tiếp cận này sẽ giải quyết được các thách thức của rác thải rựa, góp phần vào việc phát triển bền vững, lâu dài trong tương lai.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, với thực tiễn Việt Nam và các nước trong khu vực, một số khó khăn, thách thức còn tồn tại khi thực hiện EPR như thiếu cơ sở hạ tầng thu gom tốt, trong khi nhu cầu với các dòng tái chế như nhựa tái chế chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức về chất thải và quản lý chất thải còn hạn chế.

Doanh nghiệp phải ứng xử thế nào?

Ông Hoàng Thành Vĩnh nhấn mạnh, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, nên khi phải thực hiện thêm EPR, đối với một số doanh nghiệp vẫn là gánh nặng. Điều quan trọng là doanh nghiệp sẽ ứng xử như thế nào đối với trách nhiệm này.

Quy định của Việt Nam đang đưa ra 2 nhóm giải pháp để doanh nghiệp thực hiện EPR: một là tự thu gom tái chế, hai là nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của Bộ TN&MT. Ở góc độ kỹ thuật, việc phân vân lựa chọn giải pháp nào cho thực hiện EPR cũng là khó khăn đối với doanh nghiệp.

“Do đó, doanh nghiệp hãy nhìn nhận một cách tích cực rằng EPR không phải là gánh nặng mà là một giải pháp nếu được áp dụng một cách thuần thục sẽ mang lại những giá trị lâu dài. Ví dụ để tăng cường tái chế, doanh nghiệp phải đổi mới trong thiết kế. Khi thiết kế một chai mới đẹp hơn, hiệu quả hơn thì quá trình thu gom tái chế cũng sẽ thuận lợi hơn.

Đây là điều chúng tôi mong muốn doanh nghiệp và EPR mang lại. Đó không chỉ là giá trị về môi trường mà còn phải tối ưu về kinh tế, thúc đẩy chuỗi sản xuất vận hành trơn tru, hiệu quả”, ông Vĩnh khuyến nghị.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thi - Chuyên viên chính Vụ pháp chế (Bộ TN&MT) cũng cho rằng, doanh nghiệp không nên nhìn vào việc thực hiện EPR như một gánh nặng ép buộc từ phía Nhà nước hay khoản chi phí tăng thêm từ việc đóng thuế, phí cho Nhà nước. Thay vào đó, nên coi đây là một cơ hội để đáp ứng cam kết quốc tế về việc sử dụng sản phẩm tái chế, phát triển bền vững trong các FTA thế hệ mới, gia tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.

“Chúng tôi băn khoăn doanh nghiệp sẽ thực hiện EPR theo hình thức đối phó hay trách nhiệm. Nếu đối phó hiệu quả không cao vì thực hành EPR là doanh nghiệp phải thay đổi chính mình để sản phẩm xanh hơn, sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường hơn và có sức cạnh tranh hơn khi vào EU, Mỹ, những nơi đang có yêu cầu khắt khe về tiêu chí phát triển bền vững”, ông Thi chia sẻ.

Dù vậy, ông Thi thừa nhận, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi thực thi EPR. Trong đó, khó khăn chủ yếu hiện nay liên quan đến việc xác định xem những bao bì nào thuộc diện phải kê khai thực hiện trách nhiệm, lượng hàng hóa đưa ra thị trường...

Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là nhiều đơn vị còn chưa biết đến hoặc chưa tiếp cận được chính sách về EPR. Do đó, Duy Tân đề xuất đẩy mạnh hơn nữa truyền thông, giúp mọi người biết đến EPR, áp dụng được EPR vào doanh nghiệp và hiểu được tác dụng của EPR đối với doanh nghiệp thế nào.

Ông Lê Anh lưu ý, khi mới áp dụng EPR sẽ có thể tăng chi phí, tăng đầu tư nhưng khi áp dụng tốt thì đây là vấn đề tốt cho xã hội và môi trường.

Bà Mette Moglestue - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam khuyến nghị, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có thực hiện EPR, cần có sự hợp lực và hợp tác quốc tế. Doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ ngành cần chung tay để tìm ra giải pháp và đạt được mục tiêu chung. Các bên liên quan quan cần duy trì cơ chế đối thoại liên tục để tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, hỗ trợ doang nghiệp thực thi EPR hiệu quả.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm