Hỗ trợ doanh nghiệp

Trung Quốc chuộng cà phê Việt và đồ uống hương trái cây

DNVN - Tại hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam – Trung Quốc 2022 diễn ra sáng 11/5, các diễn giả cho biết: Doanh nghiệp (DN) hai nước có nhiều cơ hội hợp tác và đầu tư khi người dân Trung Quốc chuộng đồ uống có hương vị trái cây. Tỷ lệ tiêu dùng cà phê Việt Nam của Trung Quốc tăng nhanh và ổn định thời gian gần đây.

Thương mại điện tử: Kênh bán hàng đầy tiềm năng cho sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long / Trưng bày cố định "sản phẩm Đà Nẵng" tại Trung tâm Hành chính TP và các điểm thu hút khách

Chuộng cà phê Việt Nam
Hội nghị giao thương trực tuyến đồ uống Việt Nam- Trung Quốc 2022 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ, các Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ uống tăng cường quảng bá, tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, ngành đồ uống Việt Nam đang có nhiều nỗ lực đổi mới để phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, tiến tới tăng trưởng bền vững trong thời kỳ mới.
Thời gian qua, với việc phát triển phong phú các sản phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho chế biến đồ uống, đang tạo nên những lợi thế cho các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam đa dạng hoá chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng nước ngoài, trong đó có thị trường tiêu dùng lớn là Trung Quốc.
Theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp đồ uống Việt Nam có nhiều lợi thế đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lớn từ Trung Quốc.
Đánh giá về cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư ngành hàng cà phê, cao cao cũng như đồ uống Việt Nam trong bối cảnh mới, ông Đỗ Xuân Hiền – Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc nhập khẩu số lượng lớn cà phê của Việt Nam.
Năm 2018 Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 12 của Việt Nam. Năm 2019 xếp thứ 10, năm 2020 xếp thứ 9 và năm 2021 xếp thứ 8, với kim ngạch từ gần 110 triệu USD trong năm 2018 lên hơn 128 triệu USD trong năm 2022. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 44,2 triệu USD.
Tỷ lệ tiêu dùng cà phê của Trung Quốc tăng nhanh và ổn định trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của các DN, tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng cà phê Việt Nam của Trung Quốc luôn đạt từ 2 - 5%.
"Điều đó cho thấy rằng tiềm năng nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ Việt Nam rất cao. Trung Quốc được coi là thị trường mới nổi về cà phê, với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hàng năm luôn ở mức cao và ổn định. Tuy là nước Á Đông với văn hóa uống trà nhưng ngày nay giới trẻ Trung Quốc dần quen với cà phê và thích uống cà phê hơn. Hai quốc gia láng giềng nên có rất nhiều thuận lợi cho hoạt động giao thương", ông Hiền nhận định.
Ưa thích đồ uống trái cây
Thông tin về thị trường và nhu cầu thị trường về sản phẩm đồ uống với thị trường Trùng Khánh (Trung Quốc), ông Trương Tế Đông – Chủ tịch Hiệp hội Đồ uống TP Trùng Khánh chia sẻ, năm 2021 dù đối mặt với đại dịch COVID-19, nhưng thị trường Trùng Khánh vẫn phát triển mạnh mẽ. Số liệu tiêu thụ lên đến hàng triệu nhân dân tệ.
Các loại đồ uống, đặc biệt loại có hương vị hoa quả, có sự phát triển rất lớn vì hương vị có nguồn gốc từ thiên nhiên, mùi vị thơm ngon, thích hợp với nhiều môi trường từ du lịch tới gia đình, tiệc cưới, hội nghị. Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều sản phẩm mới không ngừng được tạo ra và tạo ra sự cạnh tranh rất lớn.
Thời gian này, Trung Quốc có nhiều nhà sản xuất đồ uống lớn, trong đó có hơn 60 nhà sản xuất sản xuất các loại đồ uống có gas, nhiều hương vị, đặc biệt là những đồ uống có hương vị trái cây.
"Tuy nhiên, các loại đồ uống có hương vị hoa quả có đặc thù là giá thành cao, không phải tầng lớp nào cũng tiếp cận được. Do đó, mục tiêu trọng điểm của ngành đồ uống là làm thế nào để hạ thấp giá thành sản xuất đồ uống hương vị hoa quả để đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp bình dân", ông Đông cho hay.
Đồng thời với ý thức bảo vệ sức khỏe ngày càng cao, nhu cầu về đồ uống có nguồn gốc hoa quả ngày càng tăng cao. Trong khi đó các nhà sản xuất đã tăng cường công tác quản lý về chất lượng khiến chất lượng sản phẩm không ngừng được tăng lên và đồ uống hoa quả ngày càng có vị trí trong đời sống người dân.
Nhiều cơ hội hợp tác
Nhấn mạnh cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê, ông Đỗ Xuân Hiền – Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, Việt Nam có vùng nguyên liệu rộng lớn trên 680.000 ha với chất lượng ngày càng được cải thiện và ổn định. Việc sản xuất áp dụng các chứng nhận sản xuất bền vững và truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao chất lượng hạt cà phê.

Theo ôngĐỗ Xuân Hiền, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam:Có nhiều cơ hội cho DN Trung Quốc đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực cà phê.
"Vì vậy đây là nguồn đầu vào quan trọng và chất lượng cho các nhà máy chế biến cà phê của Việt Nam và đối tác nước ngoài khi vào vùng nguyên liệu hợp tác với Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam không có rào cản nào cho các nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác đầu tư và xây dựng vùng nguyên liệu bền vững tại Việt Nam. Các tỉnh luôn có chính sách mời gọi các DN vào liên kết và xây dựng vùng nguyên liệu", ông Hiển nói.
Thêm vào đó, các chính sách ưu đãi kêu gọi hợp tác đầu tư của các địa phương luôn được khuyến khích. Ngoài kêu gọi hợp tác xây dựng các vùng nguyên liệu, các tỉnh còn kêu gọi xây dựng nhiều chính sách để thu hút đầu tư các DN FDI vào xây dựng nhà máy chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa toan và cà phê phối trộn.
Ngoài ra là cơ hội mang lại từ các FTA Việt Nam đã ký kết. Hiện tại Việt Nam đã ký kết 15 FTA tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Các FTA có hiệu lực giúp các DN đầu tư, chế biến được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan khi mức thuế áp dụng với cà phê rang xay, cà phê hòa tan giảm về từ 0 - 5%. Trong đó, hiệp định RCEP có hiệu lực từ 1/1/2022 có tác động lớn đến các DN nội khối, đặc biệt là các DN Trung Quốc khi muốn đầu tư các nhà máy chế biến cà phê rang xay, hòa tan tại Việt Nam để xuất khẩu đi các nước nước trong nội khối RCEP hoặc xuất sang EU cũng như các thị trường khác mà Việt Nam đã ký FTA.
Cũng nhấn mạnh đến lợi thế từ RCEP, ông Dư Cường - Phó Cục trưởng Cục Thương mại TP Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên cho biết, việc hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp Việt Nam và các nền tảng bán hàng liên quan tại Toại Linh và thậm chí là Tứ Xuyên. Nhiều sản phẩm chất lượng cao đã vào Toại Linh, làm giàu cho Toại Linh và mang lại lợi ích cho người dân.
"Nhân dịp này, chúng tôi mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đầu tư vào Toại Linh, tìm kiếm sự phát triển chung giữa hai bên", ông Dư Cường nói.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm