Hỗ trợ doanh nghiệp

Trung Quốc tăng nhập, trợ lực để doanh nghiệp nông sản tăng tốc xuất khẩu

Hậu dịch Covid-19, Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn với các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Đây là cơ hội cho Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp cần phải được trợ lực để tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Doanh nghiệp toàn cầu tăng cường tích trữ tiền mặt trong đại dịch COVID-19 / Doanh nghiệp thủy sản sụt giảm 35 – 50% đơn hàng do COVID-19

Bộ NN&PTNT cho biết, năm nay, để đạt mục tiêu xuất khẩu theo đúng kế hoạch 42 tỷ USD là thách thức rất lớn và cần có những giải pháp toàn diện trước mắt và lâu dài; trong đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc phải đạt 10%.

Nông sản Việt Nam có chớp được thời cơ?

Nếu như sau Tết Nguyên đán, giá thanh long rớt thê thảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì những ngày gần đây đang trở nên đắt hàng do nhu cầu từ phía thị trường Trung Quốc tăng mạnh.

Các doanh nghiệp nông sản cần lên sẵn kịch bản tăng xuất khẩu sang Trung Quốc
Các doanh nghiệp nông sản cần lên sẵn kịch bản tăng xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo Hiệp hội Thanh long Long An, hiện tiêu thụ thanh long tương đối ổn do Trung Quốc nhập hàng trở lại. Giá thanh long ruột đỏ đã lên 18.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 14.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Bé Dũng, cho biết nhu cầu tiêu thụ trái thanh long từ thị trường Trung Quốc đang tăng dần. Các doanh nghiệp hiện săn hàng khắp nơi nhưng nguồn cung không dồi dào. Để có thanh long đáp ứng cho thị trường Trung Quốc, bên cạnh kết nối với các thương lái thu mua, doanh nghiệp còn xuống tận nhà vườn để thu mua. Tuy nhiên, phải mất 2-3 ngày, doanh nghiệp mới mua đủ số lượng một công hàng 20 tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết, thị trường Trung Quốc đang hút mạnh các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng sau dịch Covid-19, là cơ hội cho nông sản chất lượng của Việt Nam.

Theo thống kê của các địa phương, năng lực thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc đã được cải thiện. Tại Quảng Ninh, cửa khẩu Móng Cái thông quan trong nửa đầu tháng 3 là 169 container hoa quả (thanh long, xoài, mít, chuối) tương đương 3.524 tấn, 290 container bột sắn tương đương 10.046 tấn, 165 container thủy hải sản tươi sống tương đương 1.586 tấn, không có hoa quả tồn qua ngày.

 

Bộ NN&PTNT đánh giá hiện phía Trung Quốc đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do đó thị trường nông sản sẽ hoạt động phục hồi lại vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 dẫn tới nhu cầu nhập khẩu nông sản cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm.

Dự báo thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh sau khi khống chế dịch vào tháng 3/2020 cùng với các chính sách khuyến khích hồi phục đồng bộ quyết liệt. Đây sẽ là cơ hội dành cho việc tiêu thụ hàng hóa trong đó có nông sản. Theo Bộ NN&PTNT, thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020. Do vậy, cần huy động mọi nguồn lực (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân) để tập trung chỉ đạo sâu sát, toàn diện để khai thác lợi thế này.

Cởi bỏ những "nút thắt"

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra những "nút thắt" cần khắc phục để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.Trong đó về vốn tín dụng, thị trường tắc nghẽn trong quý I/2020 vừa qua tác động vào dòng tiền có khả năng thanh toán của các doanh nghiệp hạn hẹp. Khi thị trường Trung Quốc ấm dần đầu quý II, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần phải được hỗ trợ tín dụng để tăng tốc sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc và cả một số thị trường khác.

Gói tín dụng tuy có lãi suất thấp nhưng cũng cần đảm bảo mọi doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng, nhất là đối tượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp để có khả năng phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 suy giảm.

 

Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng cho biết do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận của các doanh nghiệp suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn; do đó áp lực chi phí, phí, thuế với doanh nghiệp rất lớn. Trước mắt, một bộ phận doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp có thể bị phá sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần, thậm chí không còn dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn tồn ứ đọng hàng hóa.

Cùng với đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 pallet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu.Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.

Điển hình là Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống kho lạnh tại khu vực này không đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản nông sản, hiện tại chỉ có 6 kho lạnh, trong đó Mekong Logistics tại Hậu Giang là lớn nhất (diện tích 30.000m2, công suất 50.000 pallet), Phan Duy tại Long An (công suất 30.000 tấn), Lotte tại Long An (diện tích 40.000m2, công suất 23.000 pallet)...

Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp, cụ thể như điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, yêu cầu các nhà máy chế biến tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch cho thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng 285.000 tỷ đồng đối phó dịch Covid-19, trong đó có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay); Bộ Tài chính triển khai nhanh chóng gói giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân.

 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam cũng cần tận dụng cơ hội này để thay đổi cách làm ăn, buôn bán với thị trường Trung Quốc.Theo Ts. Đặng Kim Sơn,nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, làm ăn với Trung Quốc, các doanh nghiệplâu naythường có tư tưởng thích buôn bán tiểu ngạch, thủ tục nhanh chóng đơn giản, dẫn tới hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, thông qua các tỉnh biên giới Vân Nam, Quảng Tây.

Trong khi đó, doanh nghiệpquên mất rằng đầu của chuỗi giá trị, đầu vào cho các nhà máy chế biến đang nằm ở các tỉnh Thẩm Quyến, Thượng Hải - nếu vào được thị trường này, hàng nông sản Việt Nam không lo rớt giá.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc là rất cần thiết, nhưng thay đổi cách làm ăn tiểu ngạch, cò con là rất quan trọng. Có như vậy, nông sản Việt Nam mới thu được nhiều giá trị hơn, phát triển bền vững.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm