Hỗ trợ doanh nghiệp

VCCI kiến nghị giải pháp cân bằng chống dịch, chống suy sụp kinh tế

DNVN - VCCI đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) vừa kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính về các giải pháp cân bằng mục tiêu chống dịch và chống suy sụp kinh tế, phát huy đồng thuận của xã hội trong “sống chung với dịch bệnh”.

Dấu ấn Aqua City: Vận hành chuyên nghiệp từ hệ sinh thái toàn diện / Doanh nghiệp đề xuất cho thuyền viên cách ly tại khách sạn

Ông Phạm Tấn Công (đứng) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nguồn ảnh VGP

Ông Phạm Tấn Công (đứng) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Nguồn ảnh VGP

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng DN sáng 26/9, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kiến nghị của cộng đồng DN.

Đây là các nội dụng được VCCI soạn thảo trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị của 64 hiệp hội DN; từ các báo cáo khảo sát và nghiên cứu của VCCI; từ công cụ tiếp nhận kiến nghị DN qua nền tảng tương tác trực tuyến VCCIWorkplace của Hội đồng Hợp tác DN ứng phó đại dịch COVID-19 của VCCI.

Nếu tình hình không cải thiện, dài nhất DN chỉ hoạt động thêm 8 tháng

Theo báo cáo của Chủ tịch VCCI, đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải.

Các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản hiện chỉ có khoảng 30% DN của ngành này tại các tỉnh thành phía Nam còn hoạt động nhờ đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn để duy trì sản xuất. Trên 50% DN ngành gỗ tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản. Chỉ có 15-20% các nhà máy sản xuất mặt hàng xuất khẩu hoạt động được cầm chừng theo “3 tại chỗ”, còn lại là ngừng sản xuất.

 

Số DN gia nhập thị trường giảm mạnh, trong khi số rút khỏi thị trường tăng cao. Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 114.025 DN gia nhập thị trường, giảm 7,25% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong 8 tháng đầu năm nay, có 85.508 DN rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10.688 DN), tăng 24,18% so với cùng kỳ năm 2020. Số DN thành lập mới trong 8 tháng năm 2021 ít hơn số DN rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, các số liệu này có thể chưa phản ánh hết so với thực tế.

Tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trầm trọng hơn trong tháng 8/2021 khi bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở mức độ tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. PMI giảm còn 40,2 điểm (các điều kiện kinh doanh giảm ba tháng liên tiếp), cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Tác động của dịch COVID-19 đến tình hình “sức khỏe” DN là rất nghiêm trọng. Kết quả điều tra khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 DN cho thấy, có tới 93,9% DN cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020.

Về lao động, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm diễn ra phổ biến nhất ở các ngành dịch vụ, giáo dục đào tạo (trên 97% DN). Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với lần lượt 95%, 93% và 92% DN. Tỷ lệ tương ứng ở các khu vực khác thấp hơn 90% nhưng cũng tương đối cao - nơi ít nhất là Đồng bằng sông Hồng, nhưng cũng có 78% DN phải giảm số lao động.

 

Trung bình có 96,2% DN gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong đó, đại dịch khiến khoảng 61,8% DN khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế.

Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến 71% DN báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Đáng lưu ý, 93% DN trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội (các bệnh viện tư, các trung tâm chăm sóc, điều dưỡng). Tương tự, 87,5% DN trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dự kiến sự sụt giảm doanh thu. Các ngành khác cũng có doanh thu giảm mạnh, với tỷ lệ DN dự tính giảm doanh thu dao động trong khoảng từ 45,9% đến 87%.

Đặc biệt, các nhóm DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ bị giảm doanh thu đáng kể nhất với lần lượt 71% và 72% DN. Tỷ lệ DN ước tính doanh thu năm 2021 suy giảm so với năm trước đó là rất đáng lưu ý. Bởi với riêng năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã làm 65% DN sụt giảm doanh thu so với năm 2019.

Đánh giá nguy cơ tác động đến nền kinh tế từ đại dịch, báo cáo của VCCI nhấn mạnh: Các hoạt động kinh tế đã mất đà tăng trưởng đạt được trong nửa đầu năm 2021, các ngành kinh tế đều hoạt động dưới 60% công suất do các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng ở mức nghiêm ngặt hơn so với các giai đoạn trước.

Thực tế này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã gia tăng mức độ rủi ro theo hướng suy giảm. Rủi ro tài khóa mặc dù vẫn đang được kiểm soát trong trung hạn nhưng rủi ro vẫn hiện hữu, nợ xấu gia tăng cũng khiến rủi ro tăng lên trong khu vực tài chính. Dịch bệnh gây khủng hoảng xã hội với tác động ở các mức độ khác nhau lên nhiều nhóm đối tượng, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.

 

Tình hình ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp.

Tình hình ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát của VCCI nhận định: Một DN điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. DN ở những lĩnh vực ngành báo cáo số tháng thấp nhất là nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Ảnh hưởng của dịch bệnh có tác động rõ ràng theo khu vực. DN tại Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt bùng phát dịch bệnh gần nhất nên sức chịu đựng chung của DN ở những khu vực này cũng thấp hơn đáng kể những khu vực khác. Số tháng trung bình mà DN ở hai khu vực trên có thể tiếp tục cầm cự trong điều kiện hiện lần lượt là 5 tháng và 5,3 tháng. Trong khi đó, DN tại các tỉnh miền núi phía Bắc – nơi ít chịu ảnh hưởng hơn bởi đại dịch – có thể kéo dài hoạt động thêm khoảng 8,4 tháng nếu tình trạng hiện tại không có nhiều cải thiện.

Theo Báo cáo khảo sát của VCCI về Nghị quyết 105/NQ-CP, 91,5% DN được khảo sát đã biết đến Nghị quyết; 81% DN cho biết chính sách tại Nghị quyết là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp từ Nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã hiệu quả.

Doanh nghiệp khó tiếp cận các giải pháp hỗ trợ

 

Tuy nhiên, kiến nghị phản ánh của cộng đồng DN chỉ ra rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Cùng với đó, tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, theo khảo sát nhanh của VCCI trên 500 DN vào tháng 8/2021, chỉ có 35,3% DN được khảo sát đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về thuế của Chính phủ. Trong số các DN tiếp cận được với gói hỗ trợ về thuế, chỉ 15,69% cho là tiếp cận dễ dàng, còn gần 20% cho là tiếp cận khó và rất khó. Riêng các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có số lượng và tỷ lệ tiếp cận cao nhất, tỷ lệ DN cho là tiếp cận khó và rất khó đối với gói hỗ trợ về thuế là hơn 22%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 30,72% trong số 500 DN được hỏi đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về vốn/tín dụng của Chính phủ. Trong đó, ngành xây dựng có tỷ lệ DN tiếp cận được với gói hỗ trợ thuế cao nhất (45,45%) và thấp nhất là các DN trong ngành công nghiệp (25,45%). Tương tự như các gói hỗ trợ thuế, các gói hỗ trợ vốn/tín dụng mặc dù cũng đã có giải ngân được cho DN nhưng tình trạng vẫn còn chậm có thể do những yêu cầu về thủ tục, chứng minh… đối với DN.

Tính chung, chỉ có 23,53% số DN đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về an sinh xã hội (ASXH) của Chính phủ, thấp nhất trong 3 gói hỗ trợ.

 

Cũng tương tự như gói hỗ trợ về thuế và gói hỗ trợ về vốn/tín dụng, chỉ có 8% DNNN và 6,7% DN FDI tiếp cận được với gói hỗ trợ này, còn lại là gần 27% DNTN. Với gói này, tỷ lệ các DN lớn tiếp cận được cao hơn các DN nghiệp nhỏ, ví dụ, 31,03% với các DN có lao động từ 200-500 người, so với 18,75% đối với các DN có dưới 50 lao động. Trong số các DN tiếp cận được gói hỗ trợ về ASXH, chỉ 9,15% số DN cho là tiếp cận dễ dàng, còn gần 17,0% cho là tiếp cận khó và rất khó.

Chính sách cần theo cấp độ, lộ trình và kiểm soát dịch từ “Chọn – Cho” sang “Chọn – Bỏ”

Từ những khó khăn bất cập trên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đề xuất các nguyên tắc, giải pháp quan trọng cần đồng thuận chống dịch, chống suy sụp kinh tế trong thời gian tới.

Theo đó, các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cần được xây dựng, thiết kế dựa trên sự đồng thuận của cả xã hội về việc “Sống chung với dịch bệnh”, cân bằng mục tiêu chống dịch và chống suy sụp kinh tế.

Nguyên tắc thực hiện các chính sách là Trung ương ban hành chính sách rõ ràng, đồng bộ và thống nhất; các tỉnh, thành phố thực thi phù hợp với tình hình địa phương. Ví dụ, Trung ương đưa ra các mức giãn cách theo các tiêu chí dịch tễ; địa phương dựa vào tình hình để lựa chọn mức độ phù hợp, và thực thi hiệu quả. An toàn chống dịch và sản xuất kinh doanh cần hiểu là tương đối chứ không phải tuyệt đối.

 

Cần sẵn sàng các giải pháp và kịch bản y tế; chống lại tư duy quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, giấy phép con, tuỳ tiện cấm đoán đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. DN cũng cần ý thức tự điều chỉnh hoạt động, chính sách cho hoạt động trở lại bình thường bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với cách tiếp cận này, VCCI đề nghị đổi tên “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế” nhằm đảm bảo truyền tải thông điệp “Cần nguồn lực để phòng chống dịch lâu dài” và “Phòng chống dịch chính là vì mục tiêu phát triển kinh tế”.

Để các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ thực sự phát huy hiệu quả, việc xây dựng và thực thi chính sách cần được xác định theo cấp độ và lộ trình thực hiện, như: các giải pháp mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay; giải pháp hỗ trợ phục hồi và giải pháp mang tính tái cấu trúc, phát triển bền vững về trung và dài hạn.

Các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển trong điều kiện “bình thường mới” cần hướng tới mục tiêu: tái kết nối ổn định chuỗi cung ứng, tăng cường liên kết vùng; hỗ trợ thanh khoản, tín dụng chi phí thấp; chia sẻ gánh nặng chi phí phát sinh do tái tổ chức sản xuất; hạn chế sa thải lao động; tăng khả năng tự phục hồi của hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và siêu nhỏ; kích đầu tư, kích cầu tiêu dùng. Các chính sách liên quan đến hỗ trợ giảm, miễn một số loại thuế, phí, giãn nợ, phục hồi chuỗi cung ứng, mở rộng cơ chế để kích thích đầu tư và môi trường kinh doanh, kích cầu tiêu dùng là những chính sách mang tính cấp bách, cần thực hiện ngay.

Với việc thay đổi chiến lược từ “Zero COVID” sang thực hiện “mục tiêu kép trong điều kiện mới”, cách tiếp cận trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cần được thay đổi. VCCI đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, khi thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch cần chuyển từ phương pháp “Chọn – Cho” hiện nay (chỉ có phép làm các việc A-B-C, còn lại không cho làm) sang phương pháp “Chọn – Bỏ” (ngoài các việc XY-Z phải được thực hiện theo yêu cầu kiểm soát dịch, tất cả các việc khác được phép thực hiện bình thường, miễn là bảo đảm yêu cầu 5K).

 

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm