VCCI: Năm 2022 có nhiều chính sách "tiếp sức", hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
DNVN - Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy hoạt động xây dựng chính sách pháp luật của Việt Nam có 5 "dòng chảy" đáng lưu ý.
Cơ hội để ngành game Việt phát triển bứt phá / Hiệu quả từ giải pháp truyền thanh thông minh SCTV
Tại hội thảo công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022" do VCCI tổ chức sáng 4/4 tại Hà Nội, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết: Năm 2022 là một năm nhiều biến động và thách thức đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine kéo dài đã gây những tác động nghiêm trọng với kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, thế giới thời kỳ hậu COVID-19 đã chứng kiến bức tranh lạm phát tăng cao bất thường, thị trường tài chính tiền tệ nhiều bất ổn.
Trong nước, chịu những tổn hại nặng nề hậu COVID-19 cộng với những biến động kinh tế thế giới khiến cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, năm 2022 cũng được Việt Nam đặt trọng tâm là năm phục hồi và phát triển sau đại dịch với các quyết sách quan trọng của Quốc hội, Chính phủ.
Trong bối cảnh trên, năm 2022, VCCI nhận thấy hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam có 5 “dòng chảy” chính.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu những nét chính của báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022".
Thứ nhất, các chính sách ứng phó với những tác động của kinh tế thế giới hợp lý và khá linh hoạt. Trước tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp tác động đến kinh tế trong nước, Nhà nước đã nhanh chóng ban hành các chính sách để ứng phó. Cụ thể chính sách cắt giảm các loại thuế như: thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) để kiềm chế giá xăng dầu. Các chính sách này đã góp phần giảm giá xăng dầu – nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Thứ hai, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phục hồi sau đại dịch tiếp tục được thúc đẩy, đã góp phần giúp DN vượt qua khó khăn. Năm 2022, Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN như: giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống mức 8% trong năm 2022 đối với hầu hết các mặt hàng; các chính sách giãn, hoãn thuế và các khoản tài chính phải nộp; quy định về gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
"Các chính sách này đã hỗ trợ khá lớn cho DN. Tuy vậy, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực thi khiến cho một chính sách này chưa phát huy một cách hiệu quả nhất, chẳng hạn như chương trình hỗ trợ lãi suất 2%", Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Thứ ba, các chính sách liên quan đến nền tảng số tiếp tục được hoàn thiện. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, nhiều quy định liên quan đến nền tảng số trong một số Dự thảo luật như Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Điện ảnh tiếp tục được xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như nhu cầu quản lý. Việc cùng lúc sửa đổi, xây dựng các quy định này đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan soạn thảo về việc giải quyết những mâu thuẫn, chồng chéo giữa văn bản hay xác định bản chất của nền tảng số để xây dựng chính sách phù hợp.
Thứ tư, hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy. Trong vài năm gần đây, Chính phủ bền bỉ thực hiện các cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ. Rất nhiều thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ đã được cắt giảm, đơn giản hóa, tạo thuận lợi đáng kể cho cộng đồng kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực nói trên của cơ quan quản lý, DN vẫn còn những băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này. Bởi, nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho DN vẫn còn thiếu vắng trong các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ.
Thứ năm, các chính sách để giải quyết các vấn đề “nóng” vẫn còn nhiều băn khoăn. Năm 2022, có những vấn đề “lớn”, “nóng” trên thực tế đòi hỏi nhà quản lý phải nhìn nhận lại cơ chế quản lý và hoàn thiện chính sách, như: hoạt động đấu giá đất và bỏ cọc của DN trúng đấu giá, hay các vi phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Những hoạt động này đã tác động rất lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng khác lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh. Các cơ quan quản lý ngay lập tức đã cho ra đời các chính sách điều chỉnh theo hướng siết chặt đối với các hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu. Tuy vậy, các chính sách này ngay tại thời điểm soạn thảo đã tạo ra nhiều băn khoăn cho DN về tính thống nhất, hợp lý. Và thực tế, Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ đã có tác động thị trường như một cú phanh gấp và phải sửa đổi chỉ trong một thời gian ngắn khi vừa có hiệu lực.
Bên cạnh những “dòng chảy” chính sách đáng lưu ý trên, báo cáo của VCCI cũng cung cấp một số góc nhìn của doanh nghiệp đối với việc soạn thảo các đạo luật lớn liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như Dự thảo Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Liệu các chính sách ban hành trong các đạo luật này, doanh nghiệp có thuận lợi hơn khi thực hiện các dự án đầu tư không? Các điểm nghẽn bởi sự thiếu thống nhất giữa các đạo luật có được giải quyết triệt để hay không?
Mong muốn quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp muốn truyền tải trong báo cáo này đó là sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo