Hỗ trợ doanh nghiệp

Chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân còn quá khắt khe

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân hiện nay còn quá khắt khe, từ việc thành lập mới doanh nghiệp tới quá trình hoạt động của họ, kéo theo đó là chi phí tuân thủ pháp luật của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn các khu vực kinh tế khác.

Phó Thủ tướng nhắc lại thông điệp của Chủ tịch nước: Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân / Ấn tượng với cụm từ "trao cơ hội" cho kinh tế tư nhân của Thủ tướng

Doanh nghiệp thành lập mới không như kỳ vọng

Tại Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi vì sao số lượng doanh nghiệp hiện nay đang chững lại và dự báo khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nguyên nhân khách quan và cơ bản nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi. Liên tiếp trong 2 năm 2020-2021 Việt Nam phải đối mặt với đại dịch COVID-19 và đó cũng là hiện tượng trên toàn cầu, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm.

Hoạt động khởi nghiệp cũng như các hoạt động đầu tư, phát triển liên quan đến công nghệ 4.0 của doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế. Các doanh nhân, doanh nghiệp đã không nắm bắt được tốt các cơ hội để phát triển ngành nghề liên quan đến công nghệ, do đó số lượng doanh nghiệp không tăng như kỳ vọng.

Về nguyên nhân chủ quan, theo ông Ánh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 2 năm 2020 - 2021 xuống rất thấp, việc thành lập mới các doanh nghiệp thậm chí có năm không theo kịp so với tốc độ doanh nghiệp đang trong tình trạng phá sản, giải thể hoặc tạm dừng hoạt động.

Cùng với đó, các chính sách về cải cách kinh tế vĩ mô cũng như môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư mặc dù có cải thiện nhưng chưa thực sự tạo ra môi trường thông thoáng về mặt pháp lý và điều kiện kinh doanh cũng như các thủ tục, cơ chế giúp xuất hiện các doanh nghiệp mới.

Số lượng thành lập doanh nghiệp mới đang chững lại.

Một nguyên nhân được ông Ánh nhấn mạnh là năm 2017, Việt Nam dự định chuyển một bộ phận trong số hàng triệu các hộ sản xuất kinh doanh sang thành các doanh nghiệp.

“Nếu làm được điều đó thì con số trên 1 triệu doanh nghiệp mà chúng ta mong muốn chắc chắn là có. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu chính sách và cơ chế cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang các doanh nghiệp. Và như vậy kéo theo sự thiếu động lực để hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp”, ông Ánh nói.

Doanh nghiệp tư nhân cần được đối xử công bằng hơn nữa

Theo ông Ánh, việc Việt Nam phấn đấu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 có khả thi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Loại trừ yếu tố khách quan từ tình hình thế giới thì việc đạt được mục tiêu kể cả về số lượng doanh nghiệp cũng như những đóng góp của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân vào nền kinh tế phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Chính sách này hỗ trợ từ vấn đề thành lập doanh nghiệp mới, quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh cho tới việc ra khỏi thị trường. Làm sao theo đúng thông lệ và chuẩn mực hợp với tiêu chuẩn của một nền kinh tế thị trường cạnh tranh một cách lành mạnh, bình đẳng.

Việt Nam phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, đổi mới sắp xếp khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay các xung đột giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng là một yếu tố cản trở cho doanh nghiệp tư nhân lựa chọn ngành nghề hay tìm biện pháp tiếp cận các nguồn lực tài chính, tiếp cận đất đai, nguồn lực vốn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn trụ vững thì phải tiếp cận được vấn đề kinh tế số, kinh tế xanh, áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là vận dụng được các thành quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Điều này sẽ quyết định không chỉ số lượng các doanh nghiệp mới mà còn tạo chất lượng cho doanh nghiệp, tránh hiện tượng chạy theo số lượng mà không đảm bảo về mặt chất lượng.

Ông Ánh cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm số lượng rất lớn nhưng chưa được đối xử một cách công bằng và bình đẳng so với khu vực kinh tế Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, thậm chí là với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Mặc dù chúng ta nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển, tuy nhiên, trong thực tế triển khai các cơ chế chính sách, thậm chí là trong tâm lý của một bộ phận cơ quan quản lý Nhà nước vẫn coi là khu vực kinh tế tư nhân là tự phát và rất khó quản lý.

Do đó, chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân còn quá khắt khe, kể cả việc thành lập mới doanh nghiệp cũng như quá trình hoạt động của họ, kéo theo đó là chi phí tuân thủ pháp luật của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn nhiều khu vực kinh tế Nhà nước và FDI”, ông Ánh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ánh, công cụ hỗ trợ, ưu đãi phần lớn đang dành cho khu vực kinh tế Nhà nước vì đây được coi là khu vực kinh tế chủ đạo. Khu vực FDI có ưu đãi về mặt đất đai, về lực lượng lao động vì được coi là một bộ phận có công nghệ và nguồn lực tài chính, cần phải có chính sách hấp dẫn, thu hút.

“Sâu sa hơn, chúng ta vẫn coi khu vực kinh tế tư nhân là tự phát, thậm chí là nhỏ lẻ, manh mún, kéo theo là sự đóng góp không thực sự bền vững cho nền kinh tế so với doanh nghiệp Nhà nước”, ông Ánh nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm