Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao xuất khẩu dệt may suy giảm ở nhiều thị trường lớn?

DNVN - 7 tháng đầu năm 2023, trong số 5 thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì có tới 4 thị trường đều giảm so cùng kỳ năm trước.

Bidrico được vinh danh là “Doanh nghiệp xanh năm 2023” / Doanh nghiệp cần "nhảy vào điểm nóng”, khai phá thị trường mới để ngăn đà giảm xuất khẩu

Xuất khẩu giảm 16% trong 7 tháng đầu năm

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt nam đạt 22,5 tỷ USD, giảm 16% so cùng kỳ.

Theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), tình hình xuất khẩu dệt may biến động theo chiều hướng xấu đi vào những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm 2023. Tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Trong khi đó, các quốc gia dệt may cạnh tranh với Việt Nam ghi nhận những bức tranh đối lập trong kết quả xuất khẩu dệt may nửa đầu năm 2023.

Cụ thể, Trung Quốc xuất khẩu dệt may trong 7 tháng 2023 đạt 172,3 tỷ USD, giảm 9,2% so cùng kỳ.

Trái ngược với Việt Nam và Trung Quốc, đối thủ Bangladesh trong tháng 7/2023 có kim ngạch xuất khẩu đạt 4,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh đạt 29,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ 2022.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX).

Xuất khẩu hàng dệt may của Ấn Độ trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 2,87 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Như vậy có thể thấy, ngoại trừ Bangladesh đang có kết quả tốt trong nửa đầu năm 2023, các quốc gia còn lại đều gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng dệt may khi ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Việt Nam với mức giảm 16% trong 7 tháng đầu năm là mức giảm cao nhất trong các nước xuất khẩu dệt may và cao hơn nhiều so với mức giảm của tổng cầu thế giới”, ông Trường đánh giá.

Đáng chú ý, trong số 5 thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2023, có tới 4 thị trường đều giảm so cùng kỳ năm trước. Duy nhất chỉ có thị trường Nhật Bản giữ được tăng trưởng 3% so với cùng kỳ.

Trong đó, thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,7 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ. Thị trường EU, Hàn Quốc, Trung Quốc lần lượt đạt 2,4 tỷ USD, 1,93 tỷ USD, 1,96 tỷ USD với các mức giảm tương ứng 10%, 7% và 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 6,74 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ.

Suy giảm năng lực cạnh tranh

Theo Chủ tịch HĐQT VINATEX, sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm trong thị trường chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm, nguyên nhân đến từ các yếu tố cả về vĩ mô và vi mô.

Trong đó, về mặt vĩ mô, yếu tố về tỷ giá đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng.

Suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nguyên nhân khiến cho thị phần xuất khẩu giảm.

DN dệt may Việt Nam còn gặp khó khăn trong lãi suất vay, tiếp cận tín dụng. Hiện nay, lãi suất cho vay của Trung Quốc ở mức 3,5%, Bangladesh 7%, Indonesia 5,7% trong khi đó Việt Nam ở mức 10-12%, cao hơn 5-7%. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để giảm áp lực cho các DN, tuy nhiên DN vẫn chịu áp lực lãi suất cho vay của ngân hàng cao và tiếp cận vốn khó hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh.

Yếu tố chi phí logistics cũng là một rào cản lớn đối với việc xuất khẩu dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh. Ngoài ra, chi phí tiền lương cao cũng là một trong những yếu tố thách thức cho DN.

Về mặt vi mô, ông Trường đánh giá, suy giảm năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam là nguyên nhân khiến cho thị phần giảm. Thực tế cho thấy, Việt Nam không còn là quốc gia dệt may với lợi thế nhân công giá rẻ, thay vào đó, việc đầu tư, công nghệ kỹ thuật mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đáp ứng với yêu cầu mới của thị trường.

Thêm vào đó, các DN trong ngành vẫn còn thiếu liên kết, không khép kín được chuỗi cung ứng trong nước. Vì vậy, vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào ở nhiều khâu trong quy trình sản xuất.

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ toàn diện

Ông Trường cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN dệt may Việt Nam cần đặt mục tiêu áp dụng tự động hóa một cách toàn diện. Để có thể đạt được mức 1 tỷ USD xuất khẩu tăng thêm chỉ cần thêm 30 nghìn lao động từ sau năm 2025.

Cùng với đó là số hoá quản trị, tận dụng cơ hội để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đa dạng hóa nguồn cung ứng đầu vào, mở rộng thị trường tiềm năng mới, củng cố thị trường chiến lược hiện tại.

DN cần chủ động nghiên cứu, lên kế hoạch đầu tư công nghệ, hạ tầng, nhân lực sẵn sàng cho việc chuyển dịch sang sản xuất xanh sẽ là một lợi thế trong trung và dài hạn.

Về đào tạo lao động có kỹ năng, để có thể đáp ứng, vận hành được công nghệ mới, thực hiện công tác số hóa, tự động hóa, các doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp đào tạo.

Với Chính phủ và các cơ quan chức năng, VINATEX kiến nghị xây dựng các nhóm giải pháp hỗ trợ DN một cách toàn diện như: gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng.

Điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế - tài chính vi mô theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu để làm động lực thúc đẩy các DN xuất khẩu trong thời gian tới như chính sách tiền tệ, chính sách thuế xuất khẩu, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như logistics.

Hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, trong hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới thông qua nguồn ngân sách nhà nước hoặc các chương trình ngân hàng đồng hành cùng DN.

Xây dựng các chính sách khuyến khích chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, bền vững như các gói hỗ trợ thuế đối với DN xanh, gói tín dụng ưu đãi cho công trình sản xuất xanh...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm