Hỗ trợ doanh nghiệp

Liên tục đầu tư vào Đà Nẵng, những lĩnh vực nào đang hút vốn doanh nghiệp Nhật Bản?

DNVN - Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, nếu tính theo cơ cấu vốn thì có 65% đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo; 19% đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bất động sản…

Đà Nẵng: Cấm xe container lưu thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh 24/24h từ ngày 15/9 / Đà Nẵng: Khởi công tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã có 30 năm hoạt động tại Đà Nẵng

Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng), tính đến ngày 30/6/2023 có khoảng 1.018 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đà Nẵng với tổng vốn hơn 4 tỉ USD. Trong đó, có 239 dự án đến từ Nhật Bản với tổng số vốn hơn 1 tỉ USD.

Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam có vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Đà Nẵng.

Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam hiện có vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Đà Nẵng.

“Có thể thấy đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản có tổng vốn đầu tư FDI lớn nhất tại Đà Nẵng; tiếp đến là cộng đồng doanh nghiệp Singapore khoảng 842,2 triệu USD; Mỹ 763,3 triệu USD, B.V.I 367,9 triệu USD, Hàn Quốc 363,9 triệu USD”, Phó Giám đốc IPA Đà Nẵng Lê Hoàng Phúc cho biết.

Theo ông Lê Hoàng Phúc, không chỉ có tổng vốn đầu tư lớn nhất mà các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đồng thời là những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm nhất tại Đà Nẵng.

Có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã trải qua 30 năm hoạt động tại TP này như: Chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam (là doanh nghiệp FDI có mặt sớm nhất tại Đà Nẵng, được cấp phép đầu tư từ ngày 15/12/1993), Công ty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy Việt - Nhật (Vijachip); Chi nhánh Công ty liên doanh Vận tải hỗn hợp Việt - Nhật số 2 (Logitem VN)…

Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác cũng đã có hơn 20 năm thành lập và phát triển tại Đà Nẵng, như Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (nay là Công ty Murata với tổng vốn đầu tư 119 triệu USD), Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam Đà Nẵng (tổng vốn đầu tư 89,7 triệu USD)…

Vốn FDI Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng

Theo ghi nhận của IPA Đà Nẵng, vốn FDI Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của TP này. Tính theo số lượng dự án thì có khoảng 180 dự án (chiếm 70%) đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ thương mại (chủ yếu là các ngành dịch vụ tư vấn, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục…). Tuy nhiên tính theo cơ cấu vốn thì có 65% đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo; 19% đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bất động sản…

Phó Giám đốc IPA Đà Nẵng Lê Hoàng Phúc nhận định, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trên địa bàn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách TP. Nhiều doanh nghiệp có vị trí nổi bật trong một số lĩnh vực kinh tế của Đà Nẵng.

Theo đó, trong lĩnh vực du lịch, Công ty TNHH ODK Mikazuki Việt Nam có vốn đầu tư lớn nhất (167,5 triệu USD) trong tổng số các dự án của FDI doanh nghiệp Nhật Bản và xếp thứ tư trong tổng số hơn 1.000 dự án FDI tại Đà Nẵng đến thời điểm này); Công ty Route Inn Group với dự án khách sạn Grandvrio City Danang (58,6 triệu USD).

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo có một số doanh nghiệp tiêu biểu như Murata (119 triệu USD), Mabuchi Motor Việt Nam Đà Nẵng (89,7 triệu USD), Daiwa (45 triệu USD), Toyota Okayama Đà Nẵng (40,2 triệu USD), Foster Đà Nẵng (22 triệu USD)… Đặc biệt có một số doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao như Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology, Fujikin Đà Nẵng, Niwa Foundry Việt Nam…

Dự báo vốn FDI Nhật Bản vào Đà Nẵng tiếp tục tăng

Qua phân tích hiện trạng cơ cấu đầu tư của Nhật Bản tại Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Phúc cho rằng xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Đà Nẵng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, logistic, du lịch…

“Trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Đà Nẵng được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững nhằm tận dụng một số lợi thế của TP như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực chất lượng, chất lượng cuộc sống…”, ông Lê Hoàng Phúc nhận định.

Phó Giám đốc IPA Đà Nẵng cũng cho biết, để mối quan hệ tốt đẹp giữa Đà Nẵng và các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng phát triển, chính quyền TP chủ trương tiếp tục cải thiện chính sách đầu tư thông thoáng, chuẩn bị sẵn về cơ sở hạ tầng, nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực Đà Nẵng có thể mạnh, ưu tiên thu hút đầu tư và phù hợp xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục…

“Cùng với tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài theo đề án đã được UBND TP phê duyệt, TP Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp FDI hiện tại tiếp tục đầu tư, mở rộng các dự án trên địa bàn. Đây là cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng vì đã có thâm niên đầu tư, sản xuất tại Đà Nẵng và là những “đại sứ truyền thông” quan trọng của TP đối với các nhà đầu tư quốc tế khác”, ông Lê Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm