Hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Nam đang là điểm đến đáng đầu tư nhất từ hiệu ứng Apple

Câu chuyện dịch chuyển dây chuyền sản xuất của Apple sang Việt Nam đang tạo hiệu ứng tốt trong việc thu hút vốn từ các “đại bàng” công nghệ. Điều này cho thấy, thời điểm này, Việt Nam là một trong những điểm đến đáng đầu tư nhất trong khu vực.

Đào tạo kiến thức quản trị rủi ro cho các doanh nhân / Tháo gỡ, hỗ trợ, nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp

Mới đây, hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết các công ty lắp ráp AirPods (thiết bị tai nghe) của Apple đã bổ sung thêm một số dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam. Theo đó, năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPods dự kiến sẽ được sản xuất tại Việt Nam.

Hiệu ứng dịch chuyển của Apple

Thực ra, tai nghe AirPods đã được lắp ráp hàng loạt tại Việt Nam từ tháng 3/2020. Đến tháng 5 năm nay thì một số mẫu tai nghe mới là AirPods Pro cao cấp (vốn trước đây chỉ sản xuất ở Trung Quốc) đã có dòng chữ “Assembled in Vietnam” trên vỏ hộp như một chỉ dấu việc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.

HINH-3445-1608198255.jpg

Việc dịch chuyển sản xuất của Apple vào Việt Nam sẽ tạo hiệu ứng tốt thu hút các “đại bàng” công nghệ.

Còn thông tin mới nhất cho thấy AirPods Max (mẫu tai nghe trùm đầu không dây được Apple giới thiệu hôm 8/12/2020, được bán với giá 549 USD, con số cao hơn cả iPhone SE 2020 và AirPods cộng lại) sẽ được lắp ráp tại Việt Nam thay vì được sản xuất ở Trung Quốc như nhiều sản phẩm khác của Apple.

Theo nguồn tin của trang Digitimes thì Luxshare Precision Industry và Goertek (hai công ty đến từ Trung Quốc) là đối tác sản xuất AirPods Max của Apple tại các nhà máy đặt tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ở Việt Nam. Điều này cho thấy Apple đang chuyển đổi chuỗi cung ứng ra ngoài phạm vi Trung Quốc.

Còn hãng tin Reuters vào tháng 11/2020 cho biết theo yêu cầu của Apple, hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới Foxconn (chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple) đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (Ipad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam và dự kiến hoạt động trong năm 2021.

Những thông tin về động thái dịch chuyển dây chuyển của Apple sang Việt Nam được đánh giá là tín hiệu đầy lạc quan cho việc thu hút các “đại bàng” công nghệ rót vốn vào Việt Nam. Điều này sẽ tạo hiệu ứng tốt, kéo theo nhiều nhà đầu tư công nghệ khác thường có xu hướng đến những quốc gia mà các tập đoàn lớn trên thế giới chuyển đến.

Ở hội thảo trực tuyến bàn về kinh doanh quốc tế do Đại học RMIT tổ chức gần đây, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, đã bày tỏ niềm tin với những doanh nghiệp (DN) tầm cỡ như Apple, Facebook, Microsoft hay IBM ở Việt Nam.

 

“Điều này đến từ những chính sách rất tuyệt của Chính phủ Việt Nam”,ông Denis khẳng định.

Còn theo bà Châu Tạ, Giám đốc Điều hành phụ trách Giao dịch pháp lý của công ty quản lý đầu tư SC Capital Partners kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại Úc - ASEAN: “Thời điểm này, Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất”.

Bà Châu nhận định Việt Nam thu hút sự chú ý nhờ công tác ứng phó rất tốt với Covid-19 và chúng ta có thể tận dụng điều này để đẩy mạnh quảng bá đất nước tới các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài.

“Điểm cộng” hút vốn ngoại

“Từ trước khi đại dịch bùng phát, Việt Nam đã là một điểm sáng trên bản đồ đầu tư và nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về cơ hội tại đây”, bà Châu nói.

 

Vị giám đốc này dẫn chứng việc tập đoàn Keppel của Singapore gần đây đã huy động quỹ với quy mô 400 triệu USD để đầu tư vào Việt Nam - quỹ đầu tiên dành riêng cho thị trường Việt Nam của tập đoàn này sau nhiều năm hoạt động tại đây.

“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ổn định chính trị và kinh tế là “điểm cộng” khi cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư ở nước ngoài, và đây là lợi thế mà Việt Nam đang sở hữu. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ còn thấy nhiều hình thức đầu tư như vậy hơn trong tương lai”, bà Châu chia sẻ thêm.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cũng cho biết là từ đầu năm đến nay, các DN Nhật Bản đã có sự dịch chuyển sản xuất sang các nước trong khối ASEAN và Việt Nam là nơi được lựa chọn nhiều nhất.

Theo vị tổng lãnh sự thì Việt Nam được các DN Nhật Bản đánh giá rất cao khi khống chế dịch bệnh Covid-19 khá tốt, giảm được nhiều thiệt hại cho DN.

“Ngay sau khi xảy ra dịch, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN để sớm phục hồi lại sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhiều DN Nhật Bản đã dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc và một số nơi khác đến Việt Nam để chuỗi cung ứng không quá lệ thuộc vào một vài quốc gia”, ông Watanabe Nobuhiro cho biết.

 

Điển hình như Đồng Nai một trong những địa phương được nhiều DN Nhật Bản đầu tư vào vì tỉnh có công nghiệp phát triển. Tại tỉnh này hiện có gần 300 DN Nhật Bản đang hoạt độngMặc dù xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng các DN Nhật Bản vẫn mở rộng đầu tư vào Đồng Nai.

Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ DN dời chuỗi sản xuất sang Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Theo dự báo sẽ có nhiều DN Nhật Bản có nguồn vốn lớn sẽ vào tỉnh này đầu tư trong thời gian tới khi dịch Covid-19 lắng xuống, nhất là trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao - đảm bảo yêu cầu của Đồng Nai trong chọn lọc dòng vốn đầu tư.

Theo giới quan sát, dù toàn cầu xảy ra dịch bệnh Covid-19 nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn mạnh mẽ do Việt Nam được xem là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực.

Đặc biệt là sau khi hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và châu Âu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào ngày 15/11/2020, Việt Nam hiện là thành viên của 14 FTA, thì việc thu hút các dòng vốn lớn trên toàn cầu được dự báo sẽ càng rộng mở.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm